Quyền Tổng thống Sri Lanka tiếp tục ban bố tình trạng khẩn cấp

“Đây là biện pháp thiết thực, phục vụ lợi ích an ninh cộng đồng, bảo vệ trật tự xã hội và bảo đảm nhu yếu phẩm, dịch vụ thiết yếu cho người dân”, chính phủ Sri Lanka giải thích trong thông cáo tối 17/7 về tình trạng khẩn cấp toàn quốc do quyền Tổng thống Ranil Wickremesinghe ban bố.

Đây là tình trạng khẩn cấp quốc gia thứ hai được Wickremesinghe ban bố kể từ khi ông trở thành quyền Tổng thống, cũng là quyết định thứ tư được Sri Lanka áp dụng trong ba tháng qua.

Nước này lần đầu ban bố tình trạng khẩn cấp hôm 1/4, một ngày sau khi người biểu tình tìm cách xông vào nhà của tổng thống Gotabaya Rajapaksa, quyết định này hết hiệu lực vào ngày 14/4.

Rajapaksa thông báo tình trạng khẩn cấp thứ hai hôm 6/5 để đảm bảo trật tự công cộng, sau khi các cửa hàng bị đóng cửa và giao thông đình trệ tại quốc đảo Nam Á. Tình trạng khẩn cấp thứ ba được công bố hôm 13/7, sau khi ông Rajapaksa chạy khỏi Sri Lanka để tới Maldives.

Lực lượng an ninh bên ngoài tòa nhà quốc hội Sri Lanka hôm 16/7. Ảnh: Reuters.

Lực lượng an ninh bên ngoài tòa nhà quốc hội Sri Lanka hôm 16/7. Ảnh: Reuters.

Tình trạng bất ổn tại Sri Lanka chưa lắng dịu sau khi đảng Mặt trận Nhân dân Sri Lanka (SLPP) cầm quyền hôm 16/7 chọn quyền Tổng thống Wickremesinghe làm ứng viên cho ghế tổng thống. Ông Wickremesinghe, 73 tuổi, hôm 15/7 tuyên thệ nhậm chức quyền Tổng thống theo quy định của hiến pháp Sri Lanka, trong thời gian chờ quốc hội nước này bầu tổng thống mới ngày 20/7.

Việc SLPP chiếm đa số tại quốc hội khiến ông Wickremensinghe nhiều khả năng trở thành tân tổng thống Sri Lanka. Thông báo đã vấp phải phản ứng phẫn nộ của người biểu tình tại thủ đô Colombo. Họ cho rằng ông Wickremesinghe trong 6 nhiệm kỳ thủ tướng Sri Lanka đã ra sức bảo vệ gia tộc Rajapaksa trước các cáo buộc tham nhũng.

Các cuộc biểu tình nổ ra trên đường phố Sri Lanka từ nhiều tháng trước, yêu cầu chính quyền giải quyết khủng hoảng kinh tế, trước khi lên đỉnh điểm hôm 9/7, khiến ông Rajapaksa phải tuyên bố từ chức và chạy ra nước ngoài. Người biểu tình đổ lỗi cho gia tộc Rajapaksa lãnh đạo yếu kém khiến lạm phát phi mã, đẩy đất nước vào cảnh thiếu thốn hàng hóa cơ bản, nạn tham nhũng tràn lan.

Vũ Anh (Theo Reuters)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*