Thiếu hướng dẫn cụ thể, doanh nghiệp ngần ngại với PPP

Với thông tư hướng dẫn mới được Bộ Giao thông – Vận tải ban hành, tiến độ các dự án PPP trong lĩnh vực hạ tầng giao thông sẽ được đẩy nhanh.

Doanh nghiệp vẫn đợi hướng dẫn

Ngay sau khi Thông tư 09/2022/TT-BGTVT hướng dẫn nội dung về phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức PPP và mẫu loại hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao thuộc ngành giao thông – vận tải được Bộ Giao thông – Vận tải ban hành vào cuối tháng 6/2022, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia Ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) đã đặt kỳ vọng rất lớn rằng, tiến độ các dự án PPP trong lĩnh vực hạ tầng giao thông sẽ được đẩy nhanh, dù phải đến ngày 1/10/2022, Thông tư này mới có hiệu lực.

“Các nhà đầu tư đều nói, cần phải rõ các hướng dẫn cụ thể thì mới tính toán được có nên tham gia các dự án PPP hay không. Văn bản này giải tỏa tâm lý chờ đợi hướng dẫn của không chỉ doanh nghiệp, nhà thầu, mà của các bên liên quan trong ngành giao thông – vận tải”, ông Đức lý giải.

Bà Nguyễn Linh Giang, Chánh văn phòng PPP (Cục Quản lý đấu thầu, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ nhận định này. Lý do là, hợp đồng dự án PPP mang đậm tính đặc thù của từng ngành, lĩnh vực; kéo dài khoảng 20-30 năm, nên nhà đầu tư cũng như các bên cho vay thường yêu cầu tính bền vững của các quy định pháp luật điều chỉnh hợp đồng, tránh tối đa những rủi ro có thể phát sinh khi chính sách thay đổi.

Do vậy, dù Luật Đầu tư PPP và các nghị định hướng dẫn đã được hoàn thiện, các bên liên quan vẫn muốn chờ thông tư hướng dẫn của các ngành, lĩnh vực để có cơ sở triển khai chi tiết. Trong khi các hợp đồng PPP trong lĩnh vực hạ tầng giao thông phải bàn nhiều về thời gian thu phí, mức thu; thì lĩnh vực điện phải quan tâm đến hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hay các lĩnh vực xử lý rác thải là câu chuyện về vị trí đặt nhà máy…

“Đây là lý do các ngành, lĩnh vực sẽ phải ban hành các thông tư hướng dẫn, xử lý các vấn đề riêng của từng ngành. Việc lựa chọn nhà thầu đối với các dự án thuộc từng lĩnh vực cần có những hướng dẫn cụ thể”, bà Giang cho biết.

Tuy nhiên, tiến độ ban hành các thông tư đang khá chậm so với yêu cầu tại Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư ban hành vào tháng 11/2021.

Theo Văn phòng PPP, cho đến thời điểm này, cùng với Thông tư 09/2022/TT-BGTVT vừa được ban hành, cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 09/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức PPP, dự án đầu tư có sử dụng đất và Bộ Tài chính ban hành Thông tư 08/2022/TT-BTC quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu, chi trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư.

Rào cản từ môi trường chính sách chưa thông suốt

Khúc mắc trong triển khai các dự án PPP không chỉ nằm trong phạm vi của pháp luật điều chỉnh trực tiếp đến PPP. Lấy ví dụ từ các dự án PPP trong lĩnh vực hạ tầng, ông Nguyễn Minh Đức nhắc tới những rào cản từ những quy định liên quan đến mức thu phí, thu giá, điều chỉnh giá, phí của Luật Giá.

“Trong hợp đồng PPP, lộ trình tăng giá thường được thống nhất ở mức 18% sau mỗi 3 năm. Tuy nhiên, việc thực hiện đang bị ngăn cản bởi quy định của Luật Giá về việc điều chỉnh giá không chỉ căn cứ vào hợp đồng với nhà đầu tư, mà còn phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế từng thời kỳ. Khi làm việc với các nhà thầu, chúng tôi nhận được câu hỏi: Làm thế nào để xác định được yêu cầu tăng giá phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển?”, ông Đức giải trình.

Hệ lụy là, nhiều dự án đang triển khai không được tăng giá theo lộ trình của hợp đồng PPP, khiến nhiều nhà đầu tư tư nhân không mấy hào hứng, dù thừa nhận nhiều phương án rất hấp dẫn. Vậy nên, từ ngày 1/1/2021 khi Luật Đầu tư theo phương thức PPP có hiệu lực, số dự án mới rất hạn chế.

Thêm nữa, trong bối cảnh dư nợ các dự án PPP giao thông đang khá lớn (chiếm hơn 1% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống, khoảng 114.000 tỷ đồng), rủi ro tín dụng cao tác động trực tiếp đến chính sách tín dụng dành cho lĩnh vực này, làm giảm khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp dự án.

“Những rào cản này có cơ hội tháo gỡ, đó là việc Luật Giá đang được tiến hành sửa đổi, bổ sung. Chúng tôi đã đề nghị mức thu phí và thủ tục điều chỉnh giá sẽ dựa trên hợp đồng PPP, do nhà đầu tư chủ động thực hiện trên cơ sở gửi thông báo tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền phản đối, thì cần nêu rõ phương án bù cho chủ đầu tư trong quyết định phản đối”, ông Đức cho biết phương án dự kiến đề xuất vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giá.

Nhưng đây không chỉ là vấn đề của một vài văn bản. Theo Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Chủ tịch HĐQT DVL Ventures, dù Luật Đầu tư PPP và Nghị định 35/2021/NĐ-CP đã quy định rõ ràng trình tự chuẩn bị, thực hiện dự án, nhưng nhiều thủ tục cụ thể trong quá trình triển khai dự án chịu sự điều chỉnh của các văn bản pháp luật khác, nếu không có sự thống nhất, sẽ rất khó thực thi.

Có thể kể tới Luật Ngân sách nhà nước đối với việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án PPP; Luật Đầu tư công với phần vốn đầu tư công trong dự án PPP; Luật Doanh nghiệp với hoạt động của doanh nghiệp dự án; Luật Xây dựng với nội dung về thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán; Luật Quản lý nợ công với phần vốn vay ODA sử dụng trong dự án PPP…

“Luật Đầu tư PPP cho khung pháp lý cao nhất, nhưng không thể kỳ vọng giải quyết mọi vấn đề. Để PPP thực sự hấp dẫn, cần sự tham gia của các cơ quan nhà nước. Nhưng quan trọng là, cần tư duy theo thông lệ quốc tế về mối quan hệ giữa Nhà nước và khu vực tư nhân trong hoàn thiện thể chế chính sách, không thể mang tư duy quản lý công thuần túy được…”, ông Chung xác định rõ.

Ông Chung cho rằng, đây chính là yếu tố thúc đẩy thị trường PPP, vì khi đó, các nhà đầu tư không nhìn vào 1-2 dự án, mà nhìn vào một thị trường, vào hệ thống chính sách chung để xác định cơ hội đầu tư, kinh doanh.

Theo Chỉ thị số 30/CT-TTg, các bộ, ngành cần hướng dẫn chi tiết các nội dung trong hoạt động đầu tư theo phương thức PPP thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình. Các văn bản hướng dẫn bao gồm nội dung trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, nội dung chi tiết tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, mẫu hợp đồng dự án phù hợp với yêu cầu thực hiện dự án của ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định thiết kế theo pháp luật chuyên ngành và nội dung cần thiết khác theo quy định tại Nghị định số 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư PPP.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*