Yêu cầu Sri Lanka đảm bảo an toàn cho người Việt

“Khi tình hình ở Sri Lanka có những diễn biến phức tạp, đời sống của công dân Việt Nam tại đây bị ảnh hưởng do thiếu gas, điện, nhiên liệu và giá cả sinh hoạt tăng cao”, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói trong cuộc họp báo hôm nay, khi được hỏi về tình hình người Việt Nam tại Sri Lanka.

Bà Hằng cho biết trước đây có khoảng 300 người Việt sinh sống ở Sri Lanka, nhưng nhiều người trong số đó đã về nước kể từ khi khủng hoảng kinh tế, xã hội bắt đầu nổ ra ở quốc gia này. Việt Nam đang lên kế hoạch và triển khai các biện pháp để hỗ trợ bà con tại Sri Lanka trong điều kiện cho phép.

“Cơ quan đại diện Việt Nam tại Sri Lanka đã yêu cầu giới chức địa phương đảm bảo an toàn cho công dân Việt tại quốc gia này, đồng thời hỗ trợ nhu yếu phẩm cho một số trường hợp khó khăn”, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao nói. Đại sứ quán Việt Nam tại Sri Lanka cũng đã thông báo đường dây nóng để người Việt liên hệ trong trường hợp cần giúp đỡ.

Hàng dài xe ba bánh xếp hàng chờ đổ xăng ở thủ đô Colombo, Sri Lanka ngày 16/7. Ảnh: AFP.

Hàng dài xe ba bánh xếp hàng chờ đổ xăng ở thủ đô Colombo, Sri Lanka ngày 16/7. Ảnh: AFP.

Thông tin được Bộ Ngoại giao đưa ra trong bối cảnh Sri Lanka đối mặt với khủng hoảng kinh tế – xã hội và chính trị nghiêm trọng. Do những quyết sách sai lầm về kinh tế, Sri Lanka lâm vào tình trạng cạn kiệt ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa thiết yếu, dẫn đến tình trạng thiếu xăng dầu cùng nhiều nhu yếu phẩm khác.

Sau nhiều tháng sống trong tình cảnh khó khăn, hàng nghìn người Sri Lanka đã đổ ra đường biểu tình, cáo buộc tổng thống Gotabaya Rajapaksa gây ra khủng hoảng. Họ tràn vào phủ Tổng thống, yêu cầu các lãnh đạo chính phủ từ chức ngay lập tức. Trước làn sóng phẫn nộ của dân chúng, ông Rajapaksa phải tháo chạy khỏi đất nước, sau đó gửi email từ chức từ Singapore.

Quốc hội Sri Lanka ngày 20/7 bầu Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, 73 tuổi, làm Tổng thống. Ông Wickremesinghe hôm nay tuyên thệ nhậm chức.

Nishan de Mel, chuyên gia từ Viện nghiên cứu Verite Research ở Colombo, Sri Lanka, cho biết các vấn đề gốc rễ gây nên cuộc khủng hoảng vẫn tồn tại cho đến khi quốc gia Nam Á chọn được bộ máy lãnh đạo mới có đủ năng lực và tiến hành những cải cách căn bản.

Tiến Anh

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*