Bản báo cáo về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương của Liên Hợp Quốc được thực hiện trong khoảng một năm, trong đó nói rằng các cáo buộc về tình trạng tra tấn ở khu vực này là “đáng tin cậy”.
“Các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đã được thực hiện ở khu tự trị Tân Cương, trong quá trình chính phủ Trung Quốc thực thi chiến lược chống khủng bố và chống chủ nghĩa cực đoan”, báo cáo có đoạn.
Báo cáo được Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet công bố tại Geneve chiều 31/8, chỉ 13 phút trước khi bà kết thúc nhiệm kỳ 4 năm. Bà Bachelet tuyên bố quyết tâm công bố báo cáo, bất chấp sức ép từ Bắc Kinh.
“Tôi đã nói sẽ công bố báo cáo trước khi hết nhiệm kỳ và tôi đã làm như vậy. Đó là các vấn đề nghiêm trọng và tôi đã đề cập tới chúng với các cơ quan chức năng cấp quốc gia và khu vực trong đất nước”, bà Bachelet cho biết.
Đánh giá trong báo cáo gây lo ngại về tình trạng đối xử với những người trong các cơ sở mà Trung Quốc gọi là “Trung tâm Đào tạo và Dạy nghề” ở Tân Cương.
“Tình hình nhân quyền ở Tân Cương đòi hỏi sự chú ý khẩn cấp của chính phủ Trung Quốc, các cơ quan liên chính phủ của Liên Hợp Quốc và hệ thống nhân quyền, cũng như cộng đồng quốc tế”, báo cáo nhấn mạnh.
Báo cáo 49 trang không đề cập đến cáo buộc “diệt chủng” người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, vốn nhiều lần được Mỹ và các nước phương Tây nêu ra để chỉ trích Trung Quốc.
Phát biểu sau khi văn phòng của bà Bachelet thông báo về việc công bố báo cáo, Zhang Jun, đại sứ Trung Quốc tại LHQ, tuyên bố Bắc Kinh đã nói với Cao ủy Nhân quyền LHQ rằng họ “phản đối mạnh mẽ” báo cáo.
“Cái gọi là vấn đề Tân Cương chỉ là lời dối trá được thêu dệt từ các động cơ chính trị, với mục đích phá hoại sự ổn định của Trung Quốc và cản trở Trung Quốc phát triển”, ông Zhang nói. Đại sứ Trung Quốc cho rằng bà Bachelet nên “duy trì tính độc lập” và không lùi bước trước “sức ép chính trị” từ phương Tây.
Bà Bachelet trước đó thừa nhận đang phải chịu “áp lực rất lớn” về việc có công bố hay không báo cáo bị trì hoãn từ lâu về tình hình khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc, nơi Bắc Kinh bị cáo buộc giam hơn một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác.
Gần một năm trước, bà nói với Hội đồng Nhân quyền rằng cần đánh giá độc lập tình hình ở Tân Cương và văn phòng của bà đang hoàn thiện báo cáo về vấn đề này.
Tuy nhiên, báo cáo đã liên tục bị trì hoãn. Bà Bachelet cho biết trong năm qua, bà nhiều lần được đề nghị công bố báo cáo, song cũng nhận được bức thư có chữ ký của hàng chục quốc gia “yêu cầu không công bố”.
Mỹ và một số nước phương Tây cáo buộc Trung Quốc giam giữ hàng loạt, lao động cưỡng bức, bắt triệt sản và phá hủy các địa điểm văn hóa, tôn giáo của người Duy Ngô Nhĩ, cho rằng hành động của Bắc Kinh là “diệt chủng”.
Trung Quốc chưa bình luận về báo cáo được công bố ngày 31/8, nhưng từng nhiều lần chỉ trích phương Tây, gọi những cáo buộc trên là vô căn cứ, can thiệp công việc nội bộ, xuyên tạc sự thật, kiềm chế đà phát triển của nước này và vi phạm luật pháp quốc tế.
Ngọc Ánh (Theo AFP)
Để lại một phản hồi