Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành |
Đấu thầu công khai
Nếu không có những tình huống đột xuất thì ngay trong tuần này, Cục Hàng không Việt Nam sẽ trình Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) kết quả đánh giá hồ sơ đăng ký thực hiện Dự ánđầu tư xây dựng, khai thác khu bảo trì phương tiện phục vụ mặt đất và xử lý vệ sinh tàu bay số 1 và số 2 tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành).
Đây là những hạng mục công trình đầu tiên trong Dự án thành phần 4 thuộc Dự án Xây dựng sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư lên tới 6.366 tỷ đồng, được Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam chủ trì thực hiện, vào bước tuyển chọn nhà đầu tư.
Theo phê duyệt của Bộ GTVT, Dự án Đầu tư xây dựng, khai thác khu bảo trì phương tiện phục vụ mặt đất và xử lý vệ sinh tàu bay số 1 và số 2, có tổng chi phí thực hiện khoảng 145 tỷ đồng (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tiền thuê đất).
Ông Phạm Văn Hảo, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tại thời điểm mở hồ sơ quan tâm, Cục đã nhận được hồ sơ đăng ký của 4 nhà đầu tư là Công ty CP Phục vụ mặt đất Hà Nội, Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn, Công ty Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam và Công ty CP Hàng không Vietjet.
Trong trường hợp được lựa chọn (công bố kết quả vào cuối tháng 9/2022), nhà đầu tư phải tự bỏ vốn xây dựng công trình (dự kiến 24 tháng) và được quyền khai thác trong 25 năm kể từ ngày hoàn thành công tác đầu tư.
Dự án thành phần 4 bao gồm các hạng mục, tương ứng với những dự án độc lập gồm nhà ga hàng hóa số 2; nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh; kho giao nhận hàng hóa; khu xử lý vệ sinh tàu bay, khu bảo dưỡng thiết bị mặt đất; hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu; trung tâm điều hành của các hãng hàng không; khu bảo trì tàu bay, bệ thử động cơ; khu công nghiệp hàng không; khu logistics hàng không… được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT thực hiện với yêu cầu phải hoàn thành đồng bộ với các công trình thiết yếu khác của cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, bên cạnh 2 dự án đầu tư xây dựng, khai thác khu bảo trì phương tiện phục vụ mặt đất và xử lý vệ sinh tàu bay đã bước vào giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư, tính đến giữa tháng 8/2022, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã phê duyệt 7/9 danh mục dự án còn lại để tiến hành công bố công khai đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cân nhắc tiêu chí kinh nghiệm
Ẩn số lớn nhất đối với Dự án thành phần 4 chính là việc xác định “kinh nghiệm vận hành, khai thác, bảo dưỡng tàu bay” – tiêu chí được đánh giá là quan trọng nhất để chọn nhà đầu tư thực hiện 4 dự án đầu tư xây dựng, khai thác khu bảo trì tàu bay số 1, số 2, số 3, số 4.
Theo Quyết định số 916/QĐ – BGTVT về việc duyệt 4 danh mục Dự án đầu tư xây dựng khu bảo trì tàu bay số 1, số 2, số 3, số 4 tại Sân bay Long Thành, các khu bảo trì, bảo dưỡng tàu bay sẽ phải cung cấp được dịch vụ bảo dưỡng cho các loại tàu bay cỡ lớn đến code F, trong đó, phải bao gồm các loại tàu bay hiện đang đăng ký tại Việt Nam như Boeing B777/B787, Airbus A330/A350 và các loại tàu bay thân hẹp như A320/A321, Boeing 737NGs theo yêu cầu tiêu chuẩn của Hàng không dân dụng Việt Nam (CAAV), Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), Cơ quan An toàn hàng không châu Âu (EASA).
Sơ bộ, tổng chi phí thực hiện mỗi dự án khoảng 688 tỷ đồng, huy động bằng vốn của nhà đầu tư. Thời hạn, tiến độ đầu tư dự kiến thực hiện trong 24 tháng kể từ ngày hợp đồng dự án có hiệu lực và khai thác dự kiến 25 năm kể từ ngày hoàn thành công tác đầu tư.
Đây là các dự án được đánh giá là có sự cạnh tranh rất gay gắt, bởi hiện tại, Việt Nam đang có ít nhất 6 đơn vị có nhu cầu xin tham gia đầu tư, đặc biệt là các hãng hàng không. Việc có được cơ sở bảo dưỡng tại sân bay Long Thành được xây dựng mới trên diện tích hơn 45.000 m2/dự án không chỉ giúp cho các hãng bay chủ động trong việc bảo trì, bảo dưỡng tàu, mà còn tiến tới phát triển cung cấp dịch vụ cho hàng chục hãng hàng không quốc tế dự kiến khai thác đến sân bay Long Thành.
Vào đầu tháng 7/2022, Cục Hàng không Việt Nam đã xây dựng các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư với yêu cầu đặt ra là, nhà đầu tư phải có năng lực kinh nghiệm tối thiểu là bảo dưỡng nội trường mức 4C.
Việc đặt ra yêu cầu nhà đầu tư phải có năng lực kinh nghiệm tối thiểu bảo dưỡng nội trường mức 4C, theo Cục Hàng không Việt Nam là nhằm đảm bảo mục tiêu đầu tư xây dựng cơ sở bảo dưỡng tàu bay tại sân bay Long Thành giai đoạn I là cung cấp dịch vụ bảo dưỡng nội trường 4C cho các loại tàu bay hiện đang đăng ký tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vietjet, với sự phát triển và liên kết kinh tế cũng như công nghệ như hiện nay, việc triển khai dự án về hangar từ khâu thiết kế, xây dựng đến quản lý vận hành có thể thực hiện thông qua tư vấn, thuê, liên kết liên doanh tùy theo nhu cầu và năng lực của chủ đầu tư.
“Việc yêu cầu cao về kinh nghiệm vận hành của chủ đầu tư là thực sự không cần thiết và cần cân nhắc để các hãng hàng không chưa có cơ sở bảo dưỡng tàu bay có thể tham gia đầu tư tại sân bay Long Thành”, ông Đinh Việt Phương, Giám đốc Điều hành Vietjet kiến nghị.
1. Khu xử lý vệ sinh tàu bay, khu vực bảo trì phương tiện mặt đất và nhà điều hành số 1, 2:
– Lập, phê duyệt và công bố danh mục Dự án: 12/2021-5/2022;
– Lựa chọn nhà đầu tư: 5/2022- 4/2023;
– Triển khai thực hiện hợp đồng: 4/2023- 9/2024;
– Hoàn thiện, vận hành thử: 9/2024 – 3/2025.
2. Khu cung cấp suất ăn trên tàu bay số 1, 2:
– Lập, phê duyệt và công bố danh mục Dự án 12/2021- 5/2022;
– Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư: 6/2022- 4/2023;
– Triển khai thực hiện hợp đồng: 4/2023 – 9/2024;
– Hoàn thiện, vận hành thử: 9/2024-3/2025.
3. Dự án trung tâm điều hành các hãng hàng không số 1, 2, 3, 4:
– Lập, phê duyệt và công bố danh mục Dự án: 2/2022- 7/2022;
– Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư: 8/2022 – 6/2023;
– Triển khai thực hiện hợp đồng: 6/2023 – 11/2024;
– Hoàn thiện, vận hành thử: 11/2024 – 5/2025;
4. Dự án khu hangar bảo trì tàu bay số 1, 2, 3, 4:
– Lập, phê duyệt và công bố danh mục Dự án: 4/2022-7/2022;
– Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư: 9/2022 – 7/2023;
– Triển khai thực hiện hợp đồng: 7/2023-12/2024;
– Hoàn thiện, vận hành thử: 12/2024-6/2025.
Để lại một phản hồi