G7 cân nhắc cấm chuyển dầu Nga

Theo tuyên bố sau hội nghị ngoại trưởng các nước G7 ngày 2/8, nhóm đang xem xét các lựa chọn để “ngăn Nga thu lợi từ chiến dịch quân sự đặc biệt và hạn chế khả năng phát động chiến tranh” của quốc gia này.

Trong số các lựa chọn có “lệnh cấm toàn diện với toàn bộ dịch vụ cho phép vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga trên toàn cầu, trừ khi dầu được mua với giá bằng hoặc thấp hơn mức được nhất trí sau khi tham vấn cùng các đối tác quốc tế”.

Các ngoại trưởng G7 cáo buộc Nga sử dụng năng lượng làm “công cụ cưỡng bức địa chính trị”. Họ cũng tuyên bố sẽ phối hợp cùng nhau để giảm nhu cầu năng lượng Nga, cũng như bảo vệ những nhóm dễ bị tổn thương nhất trước tác động của gián đoạn nguồn cung và giá cả tăng cao.

“Khi chúng tôi loại bỏ năng lượng Nga khỏi thị trường trong nước, chúng tôi sẽ tìm cách giảm doanh thu của Nga từ các sản phẩm dầu khí, hỗ trợ ổn định trên thị trường năng lượng toàn cầu và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến kinh tế”, tuyên bố của G7 có đoạn.

G7 bao gồm Anh, Canada, Đức, Pháp, Italy, Nhật Bản và Mỹ. Nga chưa bình luận về thông tin này.

Nhà máy tại mỏ dầu Yarakta ở tỉnh Irkutsk, Nga tháng 3/2019. Ảnh: Reuters.

Nhà máy tại mỏ dầu Yarakta ở tỉnh Irkutsk, Nga tháng 3/2019. Ảnh: Reuters.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2 nhằm “phi quân sự và phi phát xít hóa Ukraine”, nhiều quốc gia áp các lệnh trừng phạt đáp trả. Tuy nhiên, các nước tiêu thụ dầu chính như Ấn Độ và Trung Quốc tăng cường nhập khẩu dầu Nga tới mức kỷ lục.

Dù lượng dầu xuất khẩu của Nga đạt mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021, doanh thu từ xuất khẩu mặt hàng này tháng 6 tăng 700 triệu USD so với tháng trước do giá cao hơn. Mức lợi nhuận Nga thu về từ xuất khẩu dầu cao hơn 40% so với trung bình năm, Cơ quan Năng lượng Quốc tế hồi tháng 7 cho biết.

Một quan chức G7 cuối tháng trước cho biết khối dự kiến áp dụng cơ chế áp giá trần với dầu Nga vào ngày 5/12, khi các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu về cấm dầu thô Nga nhập khẩu qua đường biển có hiệu lực. Trong khi đó, Nga đã tuyên bố không tuân theo mức giá trần mà phương Tây đặt ra và không bán dầu cho các nước áp dụng điều này.

Một số nhà buôn và chuyên gia phân tích thị trường bày tỏ nghi ngờ về cách giá trần hoạt động sau khi áp đặt với dầu thô của Nga, khi nước này chuyển dầu tới châu Á mà không dùng bảo hiểm tàu của phương Tây. Nga cũng có thể cắt giảm xuất khẩu dầu thô, khiến cho giá năng lượng trên thị trường quốc tế tăng hơn nữa.

Nguyễn Tiến (Theo CNN, Reuters)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*