“Chúng tôi đang chính thức hóa quy trình chấm dứt hợp đồng với phía Nga”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Arsenio Andolong hôm nay cho biết, đề cập đến thỏa thuận mua trực thăng quân sự Mi-17.
Andolong cho hay “thay đổi trong những ưu tiên do diễn biến chính trị toàn cầu dẫn đến việc chính quyền tiền nhiệm phải hủy hợp đồng”, nhưng không đề cập cụ thể đến lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga.
Đại sứ quán Nga tại Manila chưa bình luận về thông tin này.
Delfin Lorenzana, bộ trưởng quốc phòng dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte, hồi tháng 3 nói rằng Philippines hồi tháng 11/2021 ký hợp đồng 12,7 tỷ peso (228 triệu USD) để mua trực thăng Mi-17 của Nga nhằm hiện đại hóa khí tài quân sự. Lô trực thăng đầu tiên dự kiến được giao trong vòng hai năm.
Theo ông Lorenzana, hợp đồng được ký trước khi chiến sự Ukraine bùng phát và Philippines đã nộp một khoản tiền đặt cọc.
Tuy nhiên, ông Lorenzana, hiện đứng đầu một cơ quan chính phủ khác, tuần trước nói rằng chính ông Duterte đã quyết định hủy bỏ thỏa thuận trong những ngày cuối nhiệm kỳ vì lo ngại lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga.
“Tôi không biết liệu có thể lấy lại được tiền đặt cọc hay không, vì chúng tôi là bên chấm dứt hợp đồng”, Lorenzana nói với phóng viên.
Đại sứ Philippines tại Washington Jose Romualdez gần đây nói rằng quyết định hủy hợp đồng liên quan “cuộc chiến Ukraine”. Theo ông, Manila cũng thận trọng với nguy cơ vi phạm Đạo luật Chống lại Kẻ thù thông qua trừng phạt (CAATSA) của Mỹ. Đạo luật này trừng phạt những bên hợp tác trong lĩnh vực tình báo hoặc quốc phòng với Nga.
“Mỹ sẽ cung cấp trực thăng thay thế để đáp ứng nhu cầu của chúng tôi”, ông Romualdez cho hay.
Philippines bắt đầu chương trình hiện đại hóa quân sự vào năm 2012. Sau khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. lên nắm quyền ngày 30/6, chính phủ mới xem xét lại hợp đồng trực thăng với Nga và đi đến quyết định giống như ông Duterte.
Trực thăng Mi-17 của Nga có thể được sử dụng trong chiến đấu, hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, cũng như sơ tán y tế tại Philippines, quốc gia thường xuyên phải hứng chịu các cơn bão cùng các thảm họa tự nhiên khác.
Phía Nga có thể khiếu nại quy trình chấm dứt hợp đồng, nhưng chính phủ Philippines ít có khả năng đổi ý.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Mỹ và đồng minh đã áp đặt loạt biện pháp trừng phạt trên diện rộng nhằm cắt Moskva khỏi hệ thống tài chính toàn cầu và hạn chế nguồn thu ngoại tệ của Nga.
Huyền Lê (Theo AFP)
Để lại một phản hồi