Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Halushchenko hôm nay cho biết tình hình xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Nga kiểm soát vẫn còn là “một mớ hỗn độn”. Ông Halushchenko đã đi cùng phái đoàn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đến Novooleksandrivka, tỉnh Zaporizhzhia trước khi phái đoàn vào khu vực do Nga kiểm soát.
Halushchenko đã nói với Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi rằng vấn đề an ninh là “trách nhiệm của chính ngài”.
Ông Grossi có vẻ “tự tin chấp nhận rủi ro. Ukraine đã hoàn thành tất cả nghĩa vụ quốc tế và đưa ra mọi khả năng cho sứ mệnh này”, quan chức Ukraine nói, thêm rằng ông hiểu phái đoàn IAEA có “một số thỏa thuận an ninh với Nga” và đề nghị một số thành viên của nhóm ở lại khu vực “trong vài ngày”.
Tổng giám đốc Grossi sẽ trở lại Novooleksandrivka trong hôm nay, ông Halushchenko nhấn mạnh.
Phái đoàn 14 người do ông Grossi dẫn đầu đã đến nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, miền nam Ukraine chiều nay. Sau vài giờ, 4 trong số 9 xe của phái đoàn rời nhà máy, chở theo một số thành viên, trong đó có Tổng giám đốc Grossi.
Grossi cho biết ông đã nhìn thấy những gì “cần thấy” tại nhà máy. “Tôi nghĩ trong vài giờ này chúng tôi đã có thể thu thập rất nhiều thông tin. Những điều quan trọng cần thấy tôi đều đã thấy và những giải thích của các bạn rất rõ ràng”,
ông Grossi nói với phóng viên Nga đi cùng phái đoàn IAEA tại nhà máy.
Ông không nói rõ có bao nhiêu người ở lại nhà máy và trong bao lâu. Trước đó, ông cho hay IAEA sẽ tìm cách thiết lập “sự hiện diện thường trực” tại nhà máy.
“Chúng tôi đã đạt được điều gì đó rất quan trọng trong hôm nay và điều quan trọng là IAEA đang ở lại đây. Hãy cho thế giới biết rằng IAEA đang ở tại Zaporizhzhia”, ông nhấn mạnh.
Lực lượng Nga kiểm soát nhà máy Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine từ hồi tháng 3, nhưng cơ sở này vẫn do nhân viên kỹ thuật Ukraine vận hành. Nhà máy này có 6 lò phản ứng lớn, có khả năng cung cấp điện cho 4 triệu hộ gia đình.
Nhiều cuộc pháo kích gần đây xảy ra quanh khu vực nhà máy Zaporizhzhia, làm dấy lên lo ngại nguy cơ xảy ra sự cố hạt nhân tương tự thảm họa Chernobyl năm 1986. Nga và Ukraine cáo buộc lẫn nhau gây ra những vụ tấn công này.
Hiện chỉ một trong 6 lò phản ứng của nhà máy đang hoạt động, do những lò còn lại bị đóng sau các cuộc pháo kích hoặc đang trong quá trình sửa chữa.
Huyền Lê (Theo Guardian, AFP)
Để lại một phản hồi