Mới đây, một kỹ sư Trung Quốc đã chia sẻ câu chuyện trớ trêu khi anh đã bay tới Singapore để nhận việc tại Shopee nhưng lại nhận được thông báo huỷ kết quả tuyển dụng ngay khi vừa đáp xuống sân bay Changi. Bài đăng của anh đã nhanh chóng “gây bão” mạng xã hội Trung Quốc.
“Tôi cùng vợ và cún cưng vừa hạ cánh thì hay tin lời mời làm việc của tôi đã bị Shopee rút lại. Lúc ấy, tôi vẫn còn đang ở sân bay”, người dùng có tên “Lin Ge goes to Nanyang” chia sẻ trên tài khoản WeChat cá nhân.
Shopee buộc phải thu gọn bộ máy trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại và lo ngại suy thoái. Ảnh: Shutterstock.
Tương tự như nhiều công ty công nghệ toàn cầu, Sea Limited, công ty mẹ của Shopee cũng đang đẩy mạnh cắt giảm nhân sự trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại và lo ngại suy thoái. Hệ quả là Shopee cũng buộc phải thu gọn bộ máy. Trong đó, các vị trí công nghệ tại Singapore, nơi công ty đặt trụ sở, chịu nhiều biến động nhất.
Công ty đã xác nhận với tờ SCMP về việc hủy bỏ một số vị trí công việc liên quan đến công nghệ. “Chúng tôi đã điều chỉnh kế hoạch tuyển dụng các nhóm công nghệ, vì vậy, một số vị trí tại Shopee không còn nữa. Công ty đang khẩn trương xử lý để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng”.
Theo nguồn tin nội bộ, mức bồi thường mà Shopee đưa ra là một tháng lương và chi phí đi lại.
Lin Ge chia sẻ trên WeChat: “Không thể tin nổi những gì đã xảy ra trong 3 ngày qua. Mình lập tài khoản này vốn dĩ để chia sẻ cuộc sống mới ở Singapore và công nghệ thuật toán. Ngờ đâu, bài đăng đầu tiên lại là việc mình thất nghiệp, đòi bồi thường và loay hoay tìm công việc mới”.
Câu chuyện của kỹ sư này đã làm dậy sóng mạng xã hội Weibo và Maimai Trung Quốc, khi nhận được sự đồng cảm của nhiều trường hợp tương tự.
Nhiều bộ phận khác của Shopee cũng chịu ảnh hưởng của việc cắt giảm nhân sự trong năm nay. Hồi tháng 6, Shopee cũng sa thải nhiều nhân sự ở mảng giao đồ ăn và thanh toán, bên cạnh cắt giảm nhân sự ở Argentina, Chile và Mexico.
Sea Limited đã báo lỗ cao hơn trong quý II năm nay. Theo Refinitiv, lỗ ròng tăng hơn gấp đôi lên mức 931,2 triệu USD, cao hơn 42% so mức dự đoán 655 triệu USD của giới chuyên gia.
Tương tự, nhiều “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc đã chọn cách “tối ưu hóa” lực lượng lao động để đối phó với suy thoái kinh tế. Quý II năm nay, Tencent chấm dứt hợp đồng với gần 5.500 nhân viên trong đợt cắt giảm nhân lực lần đầu tiên kể từ năm 2014. Xiaomi cũng cho thôi việc hơn 900 nhân công, tương đương 3% lục lượng lao động, khi doanh thu quý sụt giảm.
Trong khi đó, việc tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp ở Singapore đang là xu hướng của nhiều lao động Trung Quốc, trước tình hình kinh tế tăng trưởng chậm và chính sách zero-Covid nghiêm ngặt ở quê nhà.
Huang Yimeng, tỷ phú sáng lập hãng game XD, cho biết sẽ cùng gia đình chuyển ra nước ngoài năm tới, sau khi chịu cảnh phong tỏa nghiêm ngặt ở Thượng Hải do Covid-19. Shein, nền tảng thương mại điện tử thời trang nhanh có trụ sở tại Nam Kinh, chủ yếu hoạt động ở nước ngoài, đã và đang đầu tư nguồn lực vào Singapore.
Để lại một phản hồi