Làn sóng học nghề ở Hong Kong

Các doanh nghiệp nhanh nhậy bắt đầu mở khóa học đào tạo những kỹ năng như sửa chữa nhà cửa, làm tóc, trong bối cảnh Hong Kong đang chứng kiến làn sóng người trẻ di cư tìm cơ hội ở bên ngoài đặc khu.

Học viên trong lớp dạy sửa chữa đồ điện tử gia dụng ở Hong Kong ngày 3/9. Ảnh: AFP

Học viên trong lớp dạy sửa chữa đồ điện tử gia dụng ở Hong Kong ngày 3/9. Ảnh: AFP

Pun, 35 tuổi, một y tá sắp cùng gia đình di cư tới Australia, cho hay khóa học sửa chữa nhà cửa vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa là cách chuẩn bị tinh thần cho những điều chưa lường trước ở miền đất mới.

“Ở Hong Kong, nếu gặp vấn đề nhà cửa, ta có thể tới văn phòng quản lý nhà đất hoặc thuê người sửa. Nhưng khi gia đình chuyển tới Australia, tôi phải dựa vào bản thân”, anh nói.

Chi phí cho một ngày học nghề ở Renobro, một trong số ít công ty cung cấp lớp học sửa chữa nhà cửa, tốn khoảng 250 USD và phải đặt trước hàng tuần, theo Lau Chun-yu, người đồng sáng lập kiêm hướng dẫn của công ty.

“Hơn 1.000 người đã tham gia khóa dạy nghề của chúng tôi”, Lau nói. “Lúc mới bắt đầu, chúng tôi không ngờ nhiều người sẽ di cư đến thế”.

Lau cho hay đa số học viên ở độ tuổi ngoài 30, có cả bác sĩ, giáo viên. Họ học giáo trình cấp tốc trong một ngày, thực hành hơn 40 kỹ năng như bả, trát vữa, quấn lại môtơ điện của đồ gia dụng.

“Đa số chưa có sự chuẩn bị kỹ càng, nhưng họ hy vọng di cư càng sớm càng tốt”, ông nói, cho biết nhiều người lo ngại các quốc gia ngày càng siết chặt quy định nhập cư.

Lau Chun-yu (thứ hai từ trái sang), người đồng sáng lập Ronobro, lớp dạy kỹ năng sửa chữa nhà cửa ở Hong Kong, hướng dẫn học viên ngày 3/9. Ảnh: AFP

Lau Chun-yu (thứ hai từ trái sang), người đồng sáng lập Ronobro, lớp dạy kỹ năng sửa chữa nhà cửa ở Hong Kong, hướng dẫn học viên ngày 3/9. Ảnh: AFP

Số liệu điều tra dân số mới nhất cho thấy dân số Hong Kong giảm kỷ lục xuống còn 7,29 triệu người, tương đương mức giảm 1,6% so với một năm trước. Lực lượng lao động giảm còn 3,75 triệu người, mức thấp nhất trong gần 10 năm qua.

Nhiều gia đình di cư có con nhỏ trong độ tuổi đi học. Số liệu về sĩ số trong trường tiểu học được công bố hồi đầu tháng cho thấy 60 ngôi trường ở đặc khu đã giảm 70 lớp trong năm học này. Hơn 4.000 giáo viên đã nghỉ việc trong năm học vừa qua.

Anh trở thành một trong những điểm đến phổ biến nhất với người Hong Kong, sau khi nước công bố chương trình thị thực cho người dân đặc khu muốn trở thành công dân. Đã có hơn 140.000 người Hong Kong nộp đơn theo chương trình thị thực mà Anh đưa ra hồi tháng 1/2021.

Những điểm đến phổ biến khác là Canada, Australia, Mỹ, tương tự làn sóng di cư trước khi Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc đại lục năm 1997.

Nhiều người sắp di cư bày tỏ lo lắng về triển vọng việc làm ở nước ngoài, cho hay muốn học thêm nhiều kỹ năng như một biện pháp đề phòng. Kimi Chau, 35 tuổi, người bán lẻ quần áo, đã tham gia hàng loạt khóa học làm tóc để chuẩn bị chuyển tới Anh cùng chồng và con nhỏ 5 tuổi.

“Tôi muốn trang bị đầy đủ kỹ năng để làm việc sau khi tới Anh. Nếu có thể học thêm nhiều kỹ năng trước khi đi, sau đấy nếu có cơ hội làm ăn, tôi sẽ tự tin hơn”, cô nói.

Chau cho hay cô quyết định rời đi vì lo ngại hệ thống giáo dục Hong Kong sẽ thay đổi trong bối cảnh môi trường chính trị thay đổi. “Vì có con nhỏ nên tôi không mất nhiều thời gian để quyết định”, cô nói.

Học viên trong lớp dạy cắt tóc ở Hong Kong ngày 27/8. Ảnh: AFP

Học viên trong lớp dạy cắt tóc ở Hong Kong ngày 27/8. Ảnh: AFP

Một buổi chiều tháng 8 oi ả, Chau và các học viên khác trong khóa làm tóc dẫn theo bạn bè cùng người nhà tới tiệm để tổ chức lễ tốt nghiệp và chia tay. Jason Yip, người hướng dẫn, cho hay ngành làm tóc có tiêu chuẩn đầu vào thấp và người Hong Kong có thể kiếm việc nhanh chóng, đồng thời cho hay khoảng 1/3 học viên có kế hoạch di cư.

Yip cho biết nhiều học viên đánh giá cao khía cạnh xã hội của nghề làm tóc như một cách để gần gũi với gia đình và kết nối với người Hong Kong ở nước ngoài.

“Với họ, làm tóc có thể trở thành sở thích và sẽ rất vui nếu tiếp tục được làm tóc khi chuyển tới chỗ ở mới”, Yip nói. “Đó là niềm vui được chia sẻ và cảm giác mình là người có ích”.

Hồng Hạnh (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*