Lãnh đạo Chính phủ giao đánh giá khả năng khai thác lưỡng dụng sân bay Gia Lâm

Sân bay kéo dài đường cất hạ cánh với kích thước khoảng 3.048m x 45m
Sân bay Quảng Trị đang được địa phương kiến nghị kéo dài đường cất hạ cánh với kích thước khoảng 3.048m x 45m để đón được các loại tàu bay Code E (như B777, B787, A350).

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phân cấp, phân quyền cho các địa phương để chủ động hơn trong đầu tư xây dựng cảng hàng không và đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy các thủ tục đầu tư còn chồng chéo, rườm rà; một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự chủ động; việc đầu tư tập trung chủ yếu vào nguồn vốn của trung ương và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV). Do vậy, việc huy động nguồn lực xã hội hóa vào đầu tư cảng hàng không còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan cần phải đổi mới phương pháp tiếp cận trên tinh thần thực hiện đúng quy định của pháp luật nhưng đẩy nhanh quy trình thực hiện huy động vốn đầu tư cảng hàng không hiện hữu theo phương thức PPP.

Phó thủ tướng giao Bộ GTVT làm việc với một số địa phương có kiến nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để cập nhật, hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (lưu ý cần bảo đảm quy mô phù hợp, tránh việc thường xuyên phải điều chỉnh), trình Hội đồng thẩm định xem xét, trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 10/2022.

Bộ GTVT cũng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương liên quan đánh giá kỹ khả năng khai thác lưỡng dụng (dùng chung dân dụng và quân sự) và bổ sung vào quy hoạch các sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận), Biên Hòa (Đồng Nai), Gia Lâm (TP. Hà Nội), báo cáo Thủ tướng trong tháng 10/2022.

Đối với các cảng hàng không đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư như Sa Pa (Lào Cai), Quảng Trị, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tập trung triển khai thủ tục theo quy định để khởi công trong năm 2022 hoặc đầu năm 2023; cân nhắc kỹ lưỡng việc điều chỉnh quy mô, công suất, thông số kỹ thuật để không ảnh hưởng đến tiến độ, làm chậm kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Bình Thuận khẩn trương giải trình ý kiến của Hội đồng thẩm định liên ngành về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng. Đồng thời, rà soát năng lực của nhà đầu tư, trong trường hợp cần thiết, xem xét lựa chọn nhà đầu tư khác có đủ năng lực để thay thế, khởi công dự án vào đầu năm 2023 để bảo đảm hoàn thành đồng bộ với hạng mục đường cất hạ cánh của Cảng hàng không do Bộ Quốc phòng thực hiện.

Bộ GTVT khẩn trương xem xét kiến nghị của UBND tỉnh Lai Châu về việc đầu tư cảng hàng không Lai Châu; phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nghiên cứu khả năng đầu tư Cảng hàng không Côn Đảo theo phương thức PPP, báo cáo Thủ tướng trong tháng 9/2022.

Đối với các cảng hàng không có đề xuất xã hội hóa đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, Phó Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành phố có liên quan triển khai công tác nghiên cứu đầu tư, đánh giá hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và khả năng huy động nguồn vốn đối với các cảng hàng không Nà Sản (Sơn La), Thọ Xuân (Thanh Hóa), Vinh (Nghệ An), Chu Lai (Quảng Nam), Liên Khương (Lâm Đồng), Cần Thơ (TP. Cần Thơ).

“Sau khi hoàn thành thủ tục, các địa phương thống nhất với Bộ GTVTđể đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chính thức giao các địa phương là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*