Những thửa ruộng bị lũ cuốn trôi. Những cây dừa, cây ớt chết vì ngập nước mặn. Nước lũ dâng tràn ao, cá của người dân bơi đi hết. Và người dân phải sống chung với những cơn “sóng rác” do triều cường đưa tới, khi những cánh cửa nhà họ không thể khép chặt được nữa.
Người dân đã nhiều lần cố gắng nâng nền nhà bằng xi măng hoặc đất để có nơi ở khô ráo. Nhiều hộ gia đình khác chỉ có thể tiếp cận được khi triều cường rút, và những người bên trong nhà có thể bị mắc kẹt hàng giờ đồng hồ.
Nhiều dân làng đã rời khỏi khu vực này và tìm kiếm cuộc sống mới ở những nơi khô hơn và cao hơn mực nước biển. Nhưng vẫn còn nhiều người ở lại – một vài người trong số đó là do lựa chọn, nhưng cũng có nhiều người chưa rời đi vì thiếu tiền.
Hãng thông tấn AP gần đây đã phỏng vấn và chụp ảnh một số hộ gia đình đã lựa chọn ở lại các làng Mondoliko và Timbulsloko, và mỗi ngày đều cố gắng hết sức để tiếp tục sinh sống trong bối cảnh ngập lụt liên miên.
1. Cô Zuriah, 50 tuổi, ở làng Mondoliko
Cô Zuriah
Giống như nhiều người Indonesia chỉ sử dụng độc nhất một cái tên, cô Zuriah đứng trước ngôi nhà ngập trong nước của mình. Dấu tích duy nhất còn sót lại của mảnh đất mà cô từng sở hữu là những chậu hoa đặt trên một bệ gỗ trước “hiên nhà”.
Không có phương tiện để di chuyển, cô Zuriah tiếp tục sống trong ngôi nhà ngập nước, mặc dù gần như tất cả những người hàng xóm của cô đã rời đi. Khi AP đến thăm ngôi làng lần đầu tiên vào tháng 11/2021, có 11 ngôi nhà vẫn còn người ở. Đến tháng 7/2022, con số đó giảm xuống còn 5 hộ gia đình, bao gồm cả cô Zuriah.
Sống trong một ngôi nhà ngập lụt có nghĩa là phải học cách thích nghi. Cô Zuriah đã phải dời chiếc ổ cắm điện lên cao hơn vài lần để tránh nguy cơ bị điện giật khi có triều cường. Bức tường vẫn còn lưu lại những dấu vết cho thấy mực nước đã dâng cao đến đâu – có đôi khi nó chỉ thấp hơn vị trí ổ cắm điện mới của cô Zuriah hơn 30cm.
Con gái của cô Zuriah hiện đang sống với những người họ hàng bên ngoài làng, nên việc đi học của cô bé sẽ dễ dàng hơn. Cô Zuriah cho biết cô con gái cô rất lo lắng cho mẹ, nhưng cô luôn khuyên con gái học hành thật tốt để có thể theo đuổi ước mơ của cô bé.
2. Em Dwi Ulfani, 18 tuổi, ở làng Timbulsloko
Em Dwi Ulfani
Khi phóng viên AP hỏi rằng liệu Dwi Ulfani có muốn rời ngôi làng của mình không, cô gái 18 tuổi đã bật khóc.
Ulfani và gia đình em đã sống trong ngôi nhà ngập nước từ khi em biết nhớ. Bên ngoài ngôi nhà là khoảng sân nơi em từng chơi đùa cùng bạn bè, nhưng giờ khoảng sân ấy đã ngập trong khoảng 20cm nước.
Nơi từng là sân bê tông giờ là chiếc ao cá nhỏ cho đàn cá bảy màu bơi lội tung tăng. Trong nhà Ulfani, đôi khi những con rắn trườn ra khỏi nhà bếp ngập nước, bơi về biển.
Ulfani đang theo học ngành quản lý sân bay. Em nói rằng bố mẹ em muốn chuyển nhà đi nơi khác, nhưng gia đình chưa có đủ tiền.
Khi được hỏi rằng Ulfani muốn làm gì sau khi tốt nghiệp – ở lại làng hay chuyển đi nơi khác, em đã khóc, và trả lời rất khẽ: “Chuyển đi ạ”.
3. Gia đình anh chị Sri Wahyuni, 28 tuổi, Jaka Sadewa, 26 tuổi, and bé Bima, 3 tuổi, ở làng Timbulsloko
Gia đình 3 người của anh chị Wahyuni và Sadewa
Chị Sri Wahyuni và anh Jaka Sadewa chuyển đến làng sau khi họ kết hôn vào năm 2018. Chị nói rằng khi họ chuyển đến đây, ngôi làng không bị ngập như hiện tại, người dân vẫn có thể đi xe máy dọc theo con đường chính xuyên làng và nước luôn rút đi hết sau triều cường.
Nhưng càng ngày chị Wahyuni càng chứng kiến thường xuyên hiện tượng nước không rút, khiến ngôi nhà của họ bị ngập. Họ quyết định nâng nền nhà bằng bê tông, rồi đến một tầng bằng gỗ. Mặc dù vậy, thỉnh thoảng nước vẫn tràn vào nhà. Nhưng nếu không nâng nền nhà, thì hẳn bây giờ tổ ấm của anh chị đã ngập sâu trong nước.
Tuổi thơ của chị Wahyuni là những ngày vui chơi trên cánh đồng lúa, xem người lớn thu hoạch ngô và nhìn thấy rắn lướt qua bãi cỏ, nhưng cậu bé Bima, con trai của chị, sẽ không có những trải nghiệm ấy. Chị Wahyuni hy vọng rằng gia đình có thể chuyển đi nơi khác khi con trai lớn lên.
“Tôi sợ rằng mỗi năm nước sẽ càng dâng cao hơn. Nhưng chúng tôi chưa có đủ điều kiện để chuyển đi nơi khác. Nếu có thì chúng tôi sẽ chuyển đi ngay”, chị Wahyuni nói.
4. Bà Kumaison, 60 tuổi, ở làng Timbulsloko
Bà Kumaison
Bà Kumaison vẫn còn nhớ như in cảm xúc khi bà bật khóc vì trận lũ tồi tệ từng cuốn trôi 400.000 rupiah Indonesia (27 USD) mà bà đã tiết kiệm được. Những vật dụng khác như quần áo và đồ đạc còn có thể giặt sạch và sửa chữa, nhưng số tiền ấy đã vĩnh viễn mất đi.
Nhớ lại những ngày còn trẻ ở trong làng, bà Kumaison cho biết hàng xóm nhà bà từng kinh doanh rất phát đạt nhờ trồng lúa và nuôi tôm.
Nhưng giờ đây, “mọi thứ đã biến mất, chúng tôi không thể nuôi tôm cá nữa. Nước lũ đã thay đổi sinh kế của mọi người”, bà nói.
Bà Kumaison cho biết ngôi nhà của bà đã được nâng nền bằng đất và bê tông 3 lần, nhưng sau đó nước lũ còn dâng cao hơn nữa. Trong “khoảng sân” trước nhà, những người hàng xóm đã giúp bà dựng lưới cản rác để ngăn rác trôi vào nhà. Vào ban đêm, bà Kumaison hay nằm thao thức vì lo nước lũ sẽ dâng cao hơn vào nửa đêm.
Con trai bà Kumaison sống trong một ngôi làng gần đó và đã đề nghị đưa mẹ đến ở cùng. Nhưng dù những lo lắng vẫn thường trực, bà Kumaison vẫn không rời đi, vì bà vẫn thích có hàng xóm bầu bạn – nhiều người đã gắn bó cùng bà nhiều thập kỷ.
5. Cô Munadiroh, 46 tuổi, ở làng Mondoliko
Cô Munadiroh
Những cuốn sách ngấm nước được phơi trên chiếc “hiên nhà” của cô Munadiroh, trong khi một chiếc bồn trắng dùng để vận chuyển các vật dụng trong nước được buộc gần đó. Không còn đất trong làng, hai con gà của cô phải đậu trên cây, và tiếng chúng vỗ cánh gần như là tiếng động duy nhất trong cả ngôi làng này.
Ngôi làng trở nên yên tĩnh kể từ khi gần như tất cả mọi người đã rời đi. Ngay cả nhà thờ Hồi giáo địa phương, nơi chồng của cô Munadroh là giáo sĩ, cũng đã ngừng phát những lời kêu gọi cầu nguyện, thông thường là 5 lần một ngày.
Không có nhà ở nơi khác hoặc nguồn tài chính nào khác để rời đi, cô Munadiroh và gia đình đành phải ở lại làng. Con của cô đến trường bằng cách lội nước và đi thuyền vài lần một tuần. Đôi khi ngôi nhà vẫn bị ngập, nhưng cô Munadiroh vẫn cố gắng tận dụng ánh sáng mặt trời để phơi khô đồ đạc.
6. Ông Sudarto, 63 tuổi, và chị Turiah, 34 tuổi, ở làng Timbulsloko
Ông Sudarto và con gái Turiah
Ông Sudarto nằm trên giường trong ngôi nhà ngập nước của mình, bước xuống nước để ra ngoài. Trên tường là những vết nước ngập – một số có thể lên đến 30 cm – cho thấy nước lũ đã dâng cao đến mức nào trong ngôi nhà vốn đã cao của ông.
Chị Turiah, con gái lớn của ông Sudarto, sống cùng với cha. Khuyết tật về thể chất bẩm sinh khiến chị không thể đi lại, mà chỉ có thể ngồi cả ngày nhìn qua khung cửa sổ của ngôi nhà.
Giống như nhiều ngôi nhà trong làng, ngôi nhà của cha con ông Sudarto đầy nấm mốc bám vào tường. Các vật dụng cá nhân, chẳng hạn như tủ lạnh, quần áo và đồng hồ cũ, được kê lên cao để tránh ngập nước.
7. Bà Mar’iah, 70 tuổi, ở làng Timbulsloko
Bà Mar’iah
Trong ảnh là bà Mar’iah ngồi trên ghế ở cuối lối đi của ngôi làng, gần đó là ngôi nhà bằng gỗ ngập nước của bà. Là một góa phụ, bà Mar’iah sống một mình và không có ai giúp đỡ, chăm sóc cho bà.
Hầu hết cây cối đều đã chết hết vì ngập nước mặn, nên ngoài ngôi nhà của mình, bà Mar’iah không còn bóng râm nào khác để ngồi nghỉ ngơi – trừ khi bà sẵn lòng lội qua vùng nước ngập.
Bằng giọng nói nhẹ nhàng, bà Mar’iah giải thích rằng bà ngồi trên chiếc ghế này mỗi ngày để chờ đến khi nước rút khỏi nhà bà. Không giống như các ngôi làng lân cận, ngôi làng của bà giờ đây không còn đất để nâng cao nền nhà nữa. Những bệ gỗ được sử dụng để nâng nền nhà trước đây đều đã bị ngập nước.
8. Bà Suratmi và cô Ngatiroh, ở làng Timbulsloko
Hai mẹ con bà Suratmi
Cô Ngatiroh cho biết sau khi ngôi nhà của mẹ cô, bà Suratmi, bị sập vì ngập lụt, cô đã đưa mẹ đến ở cùng trong căn nhà nền đất, không cửa sổ hiện tại. Không khí ẩm mốc bao trùm trong căn phòng nơi bà Suratmi đang nằm trên giường.
Nước lũ cũng không “tha” cho ngôi nhà của cô Ngatiroh. Cô phải nâng nền nhà để chiếc giường của bà Suratmi không bị ngập nước. Căn bếp của cô lúc nào cũng ngập nước, còn đàn gà của gia đình được nuôi trong căn phòng sau nhà vì khoảng sân sau đã biến mất từ lâu vì ngập lụt.
Cô Ngatiroh nói muốn chuyển đến một ngôi nhà mới, khô ráo hơn, nhưng gia đình không có tiền. Thay vào đó, cô chỉ có thể tiếp tục đắp nền nhà cao lên để “chạy đua” với nước và cố gắng đảm bảo an toàn cho người mẹ già.
9. Cô Wahidah, 55 tuổi, ở làng Timbulsloko
Cô Wahidah
Trên hiên nhà nơi cô Wahidah sinh ra và lớn lên, cô cùng những người hàng xóm đang tán gẫu.
Cô Wahidah nhớ lại tuổi thơ khi những con trâu lững thững đi qua những cánh đồng lúa của làng cô, những thửa ruộng trồng lúa, ngô và ớt. Một số người hàng xóm nuôi đầy cá da trơn trong ao mà họ thường đem ra chợ bán hoặc giữ lại ăn.
“Mọi thứ chúng tôi cần đều ở đây,” cô Wahidah nói.
Cô Wahidah cũng còn nhớ như in những ngày nước bắt đầu dâng lên. Đồng ruộng và cây cối đều chết vì nước mặn. Người dân bán hết trâu vì không còn đất để nuôi chúng. Ngay cả những ao cá cũng không còn nuôi được cá nữa. Cuối cùng, nước ngập đến nghĩa địa, và những người chết phải được an táng ở nơi xa hơn.
“Bây giờ chúng tôi như thể đang sống trên đại dương vậy”, cô Wahidah cho biết.
Những ngày này, các hộ gia đình còn lại như nhà cô Wahidah thường mua nhu yếu phẩm từ một người đàn ông đi thuyền vào các ngày trong tuần. Đó đều là những thứ mà trước đây họ đều có thể tự canh tác và chăn nuôi. Một số ngôi nhà xung quanh đã sụp đổ.
Cô Wahidah nói rằng cô biết khoảng 40 người đã chuyển đến những vùng khác của Java chưa bị ngập lụt vĩnh viễn như ở làng Timbulsloko.
“Tôi nghĩ thế hệ trẻ nên rời khỏi nơi này. Nếu họ có tiền, họ nên mua đất ở nơi khác. Nhưng tôi thì không có tiền, nên tôi ở lại”, cô Wahidah nói.
10. Ông Sukarman, 73 tuổi, ở làng Timbulsloko
Ông Sukarman
Cua bò lổm ngổm trên mặt nước ở nơi từng là khoảng sân của nhà ông Sukarman.
Ông Sukarman đã sống ở ngôi làng Timbulsloko gần như suốt cả cuộc đời mình, và làm công việc tay chân. Ông đã nâng ngôi nhà của mình và mảnh đất xung quanh những hai lần, nhưng nước lũ vẫn tràn vào nhà. Ông cho biết mình sẽ không cố gắng nâng nền đất lên nữa.
“Chúng tôi đã làm điều đó hai lần và nó không hề hiệu quả, vậy thì chúng tôi có thể làm được gì nữa đây?”, ông Sukarman nói.
Ông Sukarman nói rằng chính phủ có hỗ trợ bằng việc quyên góp thực phẩm và tư vấn về nơi dân làng có thể chuyển đến, nhưng chính phủ không thể ngăn chặn ngập lụt.
Ông Sukarman cho rằng những người trẻ hơn, chẳng hạn như cháu gái của ông, Dwi Ulfani, nên chuyển đi nơi khác nếu họ có thể. Nhưng bản thân ông Sukarman thì tuổi đã cao, lại không có tiền và cũng không có nhà ở nơi khác như nhiều người, nên ông có thể sẽ dành phần đời còn lại của mình để sống trong một ngôi nhà ngày càng ngập lụt..
“Tôi phải làm gì bây giờ?”- ông Sukarman nói với phóng viên AP “Tôi già rồi, chẳng làm gì được nữa”./.
Tham khảo: AP
Để lại một phản hồi