Thách thức với G7 khi áp giá trần dầu Nga

Các bộ trưởng tài chính của nhóm G7 ngày 2/9 tuyên bố sẽ khẩn trương làm việc để hoàn thành và thực hiện biện pháp áp giá trần với dầu Nga, song không nêu rõ mức trần là bao nhiêu. Mục đích của biện pháp này là nhằm ngăn Nga thu nguồn tiền quan trọng cho chiến dịch quân sự ở Ukraine, cũng như ngăn giá năng lượng toàn cầu tiếp tục tăng.

Cơ chế áp giá trần không phải biện pháp thay thế các lệnh trừng phạt trước đây của G7 đối với dầu Nga, mà sẽ được thực hiện đồng thời.

Máy bơm hoạt động tại một mỏ dầu gần thành phố Almetyevsk của Cộng hòa Tatarstan thuộc Nga. Ảnh: Reuters.

Một mỏ dầu gần thành phố Almetyevsk của Cộng hòa Tatarstan thuộc Nga. Ảnh: Reuters.

Ngay từ hồi tháng 5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nêu ý tưởng áp giá trần dầu Nga với những người đồng cấp châu Âu.

Liên minh châu Âu (EU) sau đó đồng ý từng bước áp đặt cấm vận đối với dầu mỏ Nga cho đến cuối năm 2022. Động thái ngừng mua dầu là một nỗ lực gây tổn thất cho nền kinh tế Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhưng giới chuyên gia dự đoán chúng khó đạt kết quả cao, do một số nước EU vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch Nga.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu lại đề xuất áp giá trần dầu Nga với G7 hồi cuối tháng 6 và các đối tác của ông đã đồng ý cân nhắc phương án này. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng đây là một ý tưởng tham vọng và còn “rất nhiều việc phải làm” để nó có thể trở thành hiện thực.

Một cơ chế tương tự do chính quyền tổng thống Mỹ Bill Clinton đưa ra và được Liên Hợp Quốc áp dụng vào năm 1995 nhằm cho phép Iraq bán dầu để đổi lấy thực phẩm và thuốc men. Chương trình vừa đáp ứng nhu cầu nhân đạo của người dân Iraq, vừa ngăn chính quyền tổng thống Saddam Hussein có nguồn thu để gia tăng sức mạnh quân sự, nhưng không áp trần với giá dầu Iraq.

Theo cơ chế này, bên mua dầu trả tiền vào tài khoản ký quỹ tại ngân hàng BNP Paribas của Pháp. Số tiền trước hết được sử dụng để chi trả những khoản bồi thường chiến tranh cho Kuwait và các hoạt động của Liên Hợp Quốc ở Iraq, sau đó Baghdad mới được phép mua các mặt hàng theo quy định với khoản tiền còn lại.

Liên Hợp Quốc khi đó đạt được sự thống nhất cao trên mặt trận chung đối đầu với chính quyền Hussein, nhưng các nước hiện lại chia rẽ trong xung đột Nga – Ukraine. Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan nằm trong 35 quốc gia từ chối lên án Nga vì chiến dịch quân sự. Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành những khách hàng mua dầu được chiết khấu nhiều nhất của Nga khi châu Âu cắt giảm nhập khẩu.

Giới chuyên gia đánh giá áp giá trần dầu Nga thực sự là điều “nói dễ hơn làm”. Nó đòi hỏi những nỗ lực nhằm dàn xếp các vướng mắc trong thị trường bảo hiểm, chuỗi phân phối dầu và một tiến trình đàm phán đầy chông gai với Trung Quốc và Ấn Độ.

Ngoài ra, quyết định áp trần giá dầu Nga còn có nguy cơ dẫn đến hậu quả không mong muốn. Trong 6 tháng qua, các lãnh đạo phương Tây đã nhận ra rằng việc tuyên bố áp đặt giới hạn nhập khẩu dầu Nga, hoặc chỉ đe dọa làm vậy, đã khiến giá dầu thô tăng vọt do lo ngại nguồn cung toàn cầu giảm, dẫn đến gây tổn thương kinh tế cho các quốc gia tuân thủ.

Trong khi đó, một số nước đứng ngoài lề, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, đã hưởng lợi lớn nhờ nhập khẩu dầu Nga với giá ưu đãi, còn Moskva vẫn thu về lợi nhuận kỷ lục nhờ mức giá tổng thể cao hơn, dù bán được ít dầu hơn.

Áp giá trần thậm chí có thể khiến dầu giá rẻ của Nga trở thành mặt hàng được săn đón nhiều hơn, đi ngược lại mục tiêu ban đầu của G7 và phương Tây.

“Khi bạn áp giá trần với dầu Nga cũng là lúc bạn tuyên bố rằng nó hợp pháp và việc mua dầu Nga sẽ không đem lại hậu quả gì”, Brenda Shaffer, thành viên cấp cao tại Trung tâm Năng lượng Toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương, lưu ý. “Nếu giá thấp hơn, dầu Nga sẽ trở nên hấp dẫn nhất thị trường và đột nhiên, Nga trở thành ‘nữ hoàng’ trong phòng tiệc mà ai cũng muốn khiêu vũ cùng”.

Sẽ là không đủ nếu yêu cầu các sàn giao dịch năng lượng mở bán dầu thô của Nga với mức giá quy định, bởi bên mua và bên bán có thể thực hiện các giao dịch cá nhân thông qua hợp đồng bảo mật thông tin.

Đây là lý do các lãnh đạo G7 đang tập trung vào “lệnh cấm toàn diện đối với tất cả các dịch vụ cho phép vận chuyển dầu thô và những sản phẩm dầu mỏ của Nga trên toàn cầu, trừ khi dầu được mua bằng hoặc thấp hơn mức giá được thỏa thuận với các đối tác quốc tế”.

Một quan chức cấp cao của EU cho biết biện pháp này sẽ nhằm vào lĩnh vực tài chính, bảo hiểm và vận chuyển dầu. Điều đó có nghĩa là các công ty bảo hiểm vận tải biển, phần lớn tập trung ở châu Âu và Anh, cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho tàu hàng chở dầu Nga.

“Thông thường, bên mua không bỏ ra toàn bộ 100 triệu USD để mua hàng. Họ đặt cọc một phần và phần còn lại do ngân hàng bảo đảm dưới dạng giấy báo có”, Ajay Parmar, nhà phân tích tại công ty tư vấn thị trường ICIS, cho biết.

Ngân hàng sẽ không cung cấp giấy báo có nếu tàu chở dầu không được bảo hiểm.

“Nếu bạn đến London để mua bảo hiểm và họ nói: ‘Đó là dầu thô Nga, tôi chỉ có thể bảo hiểm nó bằng số tiền X’, bên mua lúc này sẽ không sẵn sàng trả cao hơn giá mỗi thùng dầu mà họ được bảo hiểm, bởi nếu không, rủi ro tài chính là quá lớn”, Parmar nói thêm.

Simone Tagliapietra, chuyên gia cấp cao từ tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels, cảnh báo về khả năng xảy ra những giao dịch ngầm, nơi công ty bảo hiểm “cung cấp hợp đồng với mức giá trần được đề xuất, nhưng trên thực tế, người mua sẽ trả mức tiền chênh cho Nga vào một tài khoản ngân hàng nào đó để mua dầu”.

Ngay cả khi mọi thứ diễn ra thuận lợi, vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến việc phân bổ lượng dầu với mức giá trần được quy định.

“Giả sử mức giá trần là X và nó thực sự được áp dụng, vậy thì người mua nào sẽ được tiếp cận với loại dầu thô giá rẻ này của Nga và người mua nào vẫn phải trả với mức giá thị trường? Điều đó sẽ được quyết định bằng cách nào”, Laurent Ruseckas, giám đốc điều hành S&P Global Global Commodity Insights, đặt câu hỏi. “Hoặc nếu bán lại số dầu Nga đã mua, bạn sẽ thu về lợi nhuận rất lớn. Ai sẽ là bên hưởng lợi? Tôi chỉ nghĩ rằng nó không dễ dàng thỏa mãn các nguyên tắc thị trường cơ bản”.

Đã có những cuộc thảo luận về việc sử dụng những khoản lợi nhuận như vậy để thành lập quỹ viện trợ cho Ukraine, nhưng một trở ngại lớn đối với thành công của phương án áp giá trần là việc thuyết phục những bên mua dầu thô Nga như Ấn Độ Và Trung Quốc tham gia vào kế hoạch.

Quan chức cấp cao của EU thừa nhận kế hoạch áp giá trần dầu Nga chỉ có thể “hiệu quả với một số điều kiện nhất định như nó phải được áp dụng toàn diện trên toàn cầu, có bên kiểm soát thị trường… và Trung Quốc là một tác nhân khá quan trọng”.

Parmar cho biết Ấn Độ dường như sẵn sàng hợp tác, nhưng Trung Quốc “đến nay vẫn chưa cho thấy họ sẵn lòng tham gia vào bất kỳ thỏa thuận nào với phương Tây”.

Điều đó sẽ dẫn đến một thị trường ba mặt, theo Shaffer từ Hội đồng Đại Tây Dương. Người mua sẽ lựa chọn giữa giá chuẩn toàn cầu bình thường, giá dầu thô Nga được áp trần và cái mà Shaffer gọi là giá “chợ xám” đối với các thùng dầu Nga được giao dịch ngầm, sử dụng những biện pháp che giấu nguồn gốc xuất xứ.

Vũ Hoàng (Theo Politco, Financial Times, CNBC)

  • Chiến thuật của Mỹ nhằm bóp nghẹt nguồn thu dầu mỏ Nga
  • Châu Âu tìm cách bủa vây dầu Nga

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*