Tiểu vương quốc Hồi giáo duy nhất của Indonesia

Yogyakarta là tỉnh ở miền trung đảo Java, cách thủ đô Jakarta hơn 420 km về phía nam, đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập của Indonesia, được gọi là Cách mạng Quốc gia Indonesia, từ năm 1945 đến năm 1949.

Ngày 17/8/1945, khi tổng thống đầu tiên của Indonesia là Sukarno tuyên bố khai sinh nước Cộng hòa Indonesia, Sultan Hamengkubuwono IX, người đứng đầu vương quốc Hồi giáo Yogyakarta khi đó, lập tức gửi thư cho ông Sukarno, bày tỏ sự ủng hộ đối với quốc gia Indonesia mới ra đời và thừa nhận Vương quốc Hồi giáo Yogyakarta là một phần Cộng hòa Indonesia.

Thành phố Yogyakarta trở thành thủ đô Cộng hòa Indonesia từ năm 1946 đến năm 1948, sau khi Jakarta rơi vào tay người Hà Lan. Hà Lan sau đó tiếp tục xâm lược Yogyakarta, khiến thủ đô của nước này một lần nữa được chuyển đến Bukittinggi ở Tây Sumatra.

Cuộc tổng tấn công đầu năm 1949 của Indonesia đã buộc lực lượng Hà Lan phải rút lui. Ngày 29/6/1949, nhờ áp lực từ Liên Hợp Quốc, Yogyakarta được hoàn toàn giải phóng khỏi người Hà Lan.

Vị trí tỉnh Yogyakarta ở miền trung Indonesia. Đồ họa: Google Maps.

Vị trí tỉnh Yogyakarta ở miền trung Indonesia. Đồ họa: Google Maps.

Vì đóng góp quan trọng trong sự tồn vong của Cộng hòa Indonesia, Yogyakarta được trao quyền tự trị như một “đặc khu”, trở thành khu vực duy nhất duy trì chế độ quân chủ được công nhận ở Indonesia, do một Sultan đứng đầu. Theo Hiến pháp Indonesia, Sultan cũng là tỉnh trưởng đặc khu Yogyakarta.

Người đứng đầu vương quốc Hồi giáo Yogyakarta hiện nay là Sultan Hamengkubawono X, 76 tuổi. Ông lên ngôi sau khi cha mình qua đời năm 1988.

Hamengkubuwono X đã tuyên bố tầm nhìn đối với khu vực và vương quốc Hồi giáo Yogyakarta là phát triển khoa học và công nghệ, nông nghiệp, du lịch và các ngành công nghiệp văn hóa nổi tiếng thế giới, mang lại cuộc sống công bằng và thịnh vượng cho tất cả người dân.

Là một thành phố có lịch sử lâu đời, Yogyakarta cũng đang bắt nhịp cuộc sống hiện đại với những con phố “không ngủ”. Phát triển du lịch là một trong những mục tiêu mũi nhọn của chính quyền đặc khu. Yogyakarta duy trì, quảng bá những giá trị truyền thống như áo batik, nghề thủ công, âm nhạc để quảng bá du lịch.

Được xem như tiểu vương quốc Hồi giáo, nhưng Yogyakarta cũng là nơi đặt đền thờ Phật giáo lớn nhất thế giới Borobudur, đền thờ Hindu giáo lớn thứ hai thế giới Prambanan, là những điểm thu hút du khách đến với tỉnh tự trị này.

Đền thờ Phật giáo lớn nhất thế giới Borobudur ở Yogyakarta. Ảnh: Huyền Lê.

Đền thờ Phật giáo lớn nhất thế giới Borobudur ở Yogyakarta. Ảnh: Huyền Lê.

Sultan Hamengkubuwono X được đánh giá là người rất dân chủ khi chấm dứt truyền thống đa thê, theo mong muốn của người cha quá cố là hiện đại hóa hoàng gia. Ông kết hôn với Hoàng hậu Hemas và có 5 công chúa.

Do Sultan Hamengkubuwono X không có con trai, công chúa cả Mangkubumi, người được trao tước hiệu vốn chỉ dành cho thái tử, có thể sẽ lên kế vị. Tuy nhiên, vấn đề này đang gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong hoàng tộc.

Trả lời về khả năng một công chúa có thể trở thành lãnh đạo kế tiếp, Sultan Hamengkubuwono X cho biết quy định khi thành lập đặc khu tự trị Yogyakarta không nêu rõ điều này và ông có thể xem xét các quy tắc để không hạn chế vai trò của nữ giới.

“Nam nữ phải được trao cơ hội bình đẳng. Ngày nay, phụ nữ có thể đóng vai trò lãnh đạo trong mọi lĩnh vực”, ông nói. “Không vấn đề gì nếu con gái tôi có thể trở thành Sultan kế tiếp”.

Sultan Hamengkubuwono X trả lời phỏng vấn tại văn phòng tỉnh trưởng ở thành phố Yogyakarta hôm 15/9. Ảnh: Huyền Lê.

Sultan Hamengkubuwono X trả lời phỏng vấn tại văn phòng tỉnh trưởng ở thành phố Yogyakarta hôm 15/9. Ảnh: Huyền Lê.

Tuy nhiên, Sultan Hamengkubuwono X cho rằng công chúa Mangkubumi sẽ phải đáp ứng các yêu cầu về khả năng lãnh đạo cũng như những đóng góp cho xã hội. “Tư duy và sự chính trực để mang lại lợi ích cho người dân mới thực sự là điều quan trọng để con gái tôi có thể trở thành người đứng đầu Yogyakarta”, ông nói.

Với diện tích chỉ 3.500 km2, Yogyakarta là tỉnh nhỏ thứ hai ở Indonesia, sau vùng thủ đô Jakarta. Tỉnh có một thành phố là Yogyakarta, cũng là thủ phủ của đặc khu, và dân số khoảng 3,8 triệu người. Dù vậy, tỉnh này có tới 117 đại học và cơ sở giáo dục bậc đại học, có thể đào tạo khoảng 320.000 sinh viên.

Đại học Muhammadiyah Yogyakarta là đại học tư thục ở Yogyakarta, trực thuộc Muhammadiyah, tổ chức Hồi giáo lớn thứ hai ở Indonesia. Hàng trăm sinh viên ngày 14/9 tổ chức buổi lễ chào mừng tân sinh viên với màn diễu hành sôi động.

Trái với hình dung thông thường về thế giới Hồi giáo khép kín, sinh viên Đại học Muhammadiyah Yogyakarta khá cởi mở, reo hò vẫy chào khi có khách tham quan, số sinh viên nữ cũng đông đảo như nam giới.

Tỉnh Hồi giáo được trao đặc quyền tự trị ở Indonesia

Tỉnh Hồi giáo được trao đặc quyền tự trị ở Indonesia

Sinh viên Đại học Muhammadiyah Yogyakarta diễu hành chào đón tân sinh viên trong khuôn viên trường hôm 14/9. Video: Huyền Lê.

Chính quyền Yogyakarta những năm gần đây chú trọng chính sách cải thiện phúc lợi cho người dân. Theo Sultan Hamengkubuwono X, bảo hiểm và học phí dành cho người nghèo hiện đều do chính quyền chi trả.

“Chúng tôi có nghĩa vụ đảm bảo phúc lợi cho người dân ở đây. Trẻ em phải được học hành ít nhất cho đến hết cấp ba, để các em có trình độ học vấn nhất định”, Sultan Hamengkubuwono X nói với VnExpress. “Chính quyền sẵn sàng làm bất cứ việc gì để cải thiện cuộc sống của người dân ở Yogyakarta”.

“Chúng tôi hiện có thể đi học, được cấp bảo hiểm. Trước đây, có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ đến điều này, vì chi phí quá lớn”, ông Hary, 67 tuổi, làm nghề hướng dẫn viên du lịch ở địa phương, chia sẻ.

Huyền Lê

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*