5 biểu đồ lột tả cú lao dốc của chứng khoán toàn cầu: 36.000 tỷ USD “bốc hơi” và còn hơn thế nữa

Sau cơn bán tháo “điên cuồng” bao trùm mọi loại tài sản từ thứ an toàn nhất là trái phiếu kho bạc Mỹ đến thứ rủi ro nhất là các cổ phiếu trên thị trường mới nổi, tổng cộng thị trường cổ phiếu và trái phiếu toàn cầu đã mất 36.000 tỷ USD vốn hóa chỉ trong 9 tháng.

Chúng ta đang bước vào quý cuối cùng của năm 2022, nhưng thị trường tài chính quốc tế được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến tiêu cực vì bối cảnh không thuận lợi. Các NHTW đang trong chế độ “dập lửa lạm phát”, quả quyết rằng lãi suất sẽ tiếp tục tăng lên bất chấp điều đó có thể dẫn đến suy thoái kinh tế.

Trước tình hình hiện nay, tiền mặt lại trở thành “vua”. Theo khảo sát mới nhất mà Bank of America thực hiện trên các nhà quản lý quỹ, nhiều người cho biết trong danh mục đầu tư của họ tiền mặt đang chiếm tỷ trọng cao nhất từ trước đến nay.

Đối với nhiều loại tài sản đã lập đỉnh (nhiều năm hay thậm chí là đỉnh cao nhất mọi thời đại) vào đầu năm nay, cú lao dốc vừa qua giống như có ai đó vừa bấm nút khởi động lại.

“Thế giới đang được định hình lại cả về chính trị và kinh tế, với các xu hướng hiện mới ở giai đoạn manh nha nhưng sẽ kéo dài đến hết thập kỷ này”, David Dowsett, chuyên gia đến từ GAM Investment nhận định.

Dưới đây là 5 biểu đồ cho thấy thị trường tài chính toàn cầu đã bị tàn phá như thế nào từ đầu năm đến nay.

Giảm sâu hơn cả khủng hoảng tài chính 2008

5 biểu đồ lột tả cú lao dốc của chứng khoán toàn cầu: 36.000 tỷ USD bốc hơi và còn hơn thế nữa - Ảnh 1.

Giá trị vốn hóa của cổ phiếu và trái phiếu toàn cầu giảm mạnh nhất trong lịch sử. Nguồn: Bloomberg.

Nếu tính theo mức giảm giá trị vốn hóa của 2 chỉ số Bloomberg GlobalAgg Index và chỉ số MSCI All-Country World Stocks Index cộng lại, đợt điều chỉnh của năm nay còn mạnh hơn cả những gì thị trường tài chính quốc tế trải qua trong khủng hoảng tài chính 2009 và đại dịch Covid-19.

Có lẽ điều này không có gì ngạc nhiên khi nhìn lại dòng tiền khổng lồ đã đổ vào thị trường trong thời kỳ trước. Tuy nhiên, tốc độ sụt giảm vẫn đáng báo động: 36.000 tỷ USD vốn hóa bị thổi bay chỉ trong 9 tháng, và số tiền này mới chỉ được tích lũy trong khoảng thời gian rất ngắn là từ giữa năm 2020 đến cuối năm 2021.

Không còn thứ gì dễ dàng

5 biểu đồ lột tả cú lao dốc của chứng khoán toàn cầu: 36.000 tỷ USD bốc hơi và còn hơn thế nữa - Ảnh 2.

Trên: Tổng tài sản trên bảng cân đối kế toán của Fed. Dưới: lãi suất liên bang. Nguồn: Bloomberg.

Chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo chính là nhân tố quan trọng nhất giúp tạo ra đợt tăng giá cổ phiếu lớn nhất từ trước đến nay. Năm 2020 đại dịch từng khiến thị trường lao dốc nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn. Giờ thì chính Cục dự trữ liên bang Mỹ và các NHTW trên toàn thế giới lại đang phá vỡ tất cả những gì họ đã xây nên.

Theo thống kê của Bank of America, tổng cộng kể từ tháng 8/2021 đến nay đã có 294 đợt tăng lãi suất trên toàn cầu. Tổng cộng 7 tháng gần đây các NHTW đã thực hiện những đợt “thắt chặt định lượng” có tổng quy mô là 3.100 tỷ USD. Kết quả là, cú sốc lãi suất và thắt chặt định lượng đã nhanh chóng hạ gục một phố Wall vốn “nghiện” lãi suất siêu thấp và các gói nới lỏng định lượng.

Thị trường tiền tệ cũng dậy sóng

5 biểu đồ lột tả cú lao dốc của chứng khoán toàn cầu: 36.000 tỷ USD bốc hơi và còn hơn thế nữa - Ảnh 3.

Các chỉ số đo lường mức độ biến động của nhiều loại tài sản đều tăng vọt. Nguồn: Bloomberg.

Các chỉ số đo lường diễn biến của tiền tệ và mức độ biến động của trái phiếu đang trở thành phong vũ biểu hàng đầu cho thị trường hiện nay. Chúng đều đã tăng vọt. Chỉ số đo lường mức độ biến động của trái phiếu kho bạc Mỹ do ICE và Bank of America xây dựng vọt lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch nổ ra năm 2020.

Tuy nhiên chỉ số VIX – vốn được coi là thước đo nỗi sợ hãi trên phố Wall – vẫn thấp hơn so với các giai đoạn thị trường giá xuống trước đây. Do vây VIX vẫn còn dư địa để tăng lên và điều đó khiến các nhà đầu tư lo lắng. Goldman Sachs và BlackRock là 2 trong số các tổ chức cảnh báo hiện rủi ro kinh tế toàn cầu suy thoái vẫn chưa được phản ánh vào giá cổ phiếu.

Không còn nơi trú ẩn

5 biểu đồ lột tả cú lao dốc của chứng khoán toàn cầu: 36.000 tỷ USD bốc hơi và còn hơn thế nữa - Ảnh 4.

Những tài sản an toàn như trái phiếu và vàng cũng giảm giá trong quý vừa qua. Nguồn: Bloomberg.

2022 là một trong những năm hiếm hoi mà trái phiếu và cổ phiếu bị bán tháo cùng một lúc. Mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ đã buộc các NHTW phải hành động mạnh mẽ. Chi phí lãi vay tăng mạnh, giá dầu tăng và xung đột ở Ukraine phủ bóng đen lên triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới cũng như triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Tất cả những điều nói trên khiến chỉ số S&P 500 và Nasdaq100 đang hướng đến quý giảm thứ 3 liên tiếp, chuỗi dài nhất kể từ khủng hoảng tài chính.

Trái phiếu kho bạc Mỹ và vàng vốn là 2 tài sản an toàn thường được nhà đầu tư tìm đến như một hầm trú ẩn. Tuy nhiên trong quý III chúng còn giảm giá nhiều hơn cả cổ phiếu. Bitcoin và đồng USD là 2 tài sản tăng giá duy nhất.

Một quý đáng quên

5 biểu đồ lột tả cú lao dốc của chứng khoán toàn cầu: 36.000 tỷ USD bốc hơi và còn hơn thế nữa - Ảnh 5.

Quý III/2022 sẽ đi vào sử sách là một trong những quý mà thị trường đảo chiều mạnh nhất. Lần đầu tiên kể từ năm 1938 chỉ số S&P 500 kết thúc quý trong trạng thái giảm điểm sau khi trước đó đã tăng hơn 10%.

Sau cùng thì 2022 là 1 năm mà chúng ta trải qua “sự thay đổi chế độ đầy đau đớn”, Michael Hartnett – chiến lược gia trưởng của Bank of America nói.

Tham khảo Bloomberg

Chủ tịch FED Jerome Powell: Cần nhà đầu tư thua lỗ?

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*