Ông Krishna Srinivasan, Vụ trưởng Vụ châu Á – Thái Bình Dương, IMF. |
Sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của châu Á vào đầu năm nay đang mất đà. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương xuống 4% trong năm nay và 4,3% trong năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 5,5% trong hai thập kỷ qua. Mặc dù vậy, châu Á vẫn là một điểm sáng tương đối trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng mờ nhạt.
Động lực yếu đi phản ánh ba cơn gió nghịch lớn, có thể sẽ dai dẳng:
• Các điều kiện tài chính được thắt chặt mạnh mẽ khi các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế tiên tiến lớn tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát đang tăng lên nhanh nhất trong nhiều thập kỷ. Sự mất giá nhanh của các đồng tiền có thể làm những thách thức chính sách thêm phức tạp.
• Xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục làm giảm mạnh các hoạt động kinh tế ở châu Âu, điều này sẽ tiếp tục làm giảm cầu từ bên ngoài đối với hàng xuất khẩu của châu Á.
• Chính sách Zero Covid nghiêm ngặt của Trung Quốc và tình trạng bất ổn ngày càng sâu rộng trong lĩnh vực bất động sản của nước này đã làm cho tăng trưởng chậm lại đáng kể, do đó làm suy yếu động lực của các nền kinh tế có kết nối với Trung quốc.
Lạm phát vẫn tăng
Lạm phát hiện vượt quá mục tiêu của các ngân hàng trung ương ở hầu hết các nền kinh tế châu Á, do kết hợp của giá thực phẩm và năng lượng toàn cầu cao hơn, sự giảm giá của các đồng tiền so với đồng đô la Mỹ và hoạt động kinh tế còn cầm chừng. Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng biến động nhiều cũng đã tăng lên và cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của lạm phát cơ bản.
Trong khi đó, đồng đô la Mỹ đã mạnh lên so với hầu hết các loại tiền tệ chính do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và ra tín hiệu có thể sẽ có các đợt tăng lãi suất tiếp theo. Hầu hết các đồng tiền của các thị trường mới nổi ở châu Á đã mất giá từ 5% đến 10% so với đồng đô la Mỹ trong năm nay, trong khi đồng Yên của Nhật mất giá hơn 20%. Những đợt mất giá gần đây đã bắt đầu tác động đến lạm phát cơ bản trong toàn khu vực và điều này có thể giữ cho lạm phát ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến trước đây.
Chính sách trong thời kỳ đầy thách thức
Trong bối cảnh tăng trưởng thấp hơn, các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với những thách thức phức tạp, đòi hỏi phải có những phản ứng chính sách mạnh mẽ.
Các ngân hàng trung ương sẽ cần kiên trì với việc thắt chặt chính sách của họ cho đến khi lạm phát giảm trở lại mức mục tiêu. Nên cho phép điều chỉnh tỷ giá hối đoái để phản ánh các yếu tố nền tảng và các quyết định chính sách tiền tệ đối ngoại. Song, nếu các cú sốc toàn cầu làm cho lãi suất vay tăng đột biến mà không phải do những thay đổi chính sách trong nước, hoặc đe dọa sự ổn định tài chính, hoặc làm ảnh hưởng đến việc giữ ổn định kỳ vọng lạm phát của ngân hàng trung ương, thì các biện pháp can thiệp ngoại hối có thể là biện pháp hữu ích trong phối hợp chính sách của các quốc gia có đủ dự trữ ngoại hối và có các chính sách bảo đảm an toàn vĩ mô. Các quốc gia cần khẩn trương cải thiện đệm thanh khoản, bao gồm cả việc đề xuất tiếp cận các công cụ phòng ngừa của IMF đối với những quốc gia có đủ điều kiện.
Nợ công đã tăng đáng kể ở châu Á trong 15 năm qua, đặc biệt là ở các nền kinh tế tiên tiến và Trung Quốc, và đã tiếp tục tăng lên trong thời kỳ đại dịch. Cần củng cố dần chính sách tài khóa, cùng với chính sách tiền tề để điều chỉnh cầu, tập trung vào mục tiêu trung hạn là ổn định nợ công.
Do đó, các biện pháp nhằm bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương do chi phí sinh hoạt tăng cao sẽ cần phải nhắm trúng đối tượng và mang tính ngắn hạn. Ở các quốc gia có mức nợ cao, cần có sự hỗ trợ trung lập về ngân sách để duy trì thực hiện lộ trình củng cố tài khóa. Cần phải có các khuôn khổ tài khóa trung hạn đáng tin cậy.
Ngoài các chính sách ngắn hạn, các chính sách phải tập trung vào việc chữa lành những thiệt hại do đại dịch và chiến tranh gây ra. Vết sẹo do đại dịch và những cơn gió nghịch hiện tại có thể sẽ khá lớn ở châu Á, một phần là do đòn bẩy nợ cao của các doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến đầu tư tư nhân. Việc đóng cửa các trường học gây thiệt hại về giáo dục, có thể làm xói mòn nguồn nhân lực nếu các biện pháp khắc phục không được thực hiện ngay hôm nay.
Hợp tác quốc tế mạnh mẽ là cần thiết để ngăn sự phân tách địa kinh tế lớn hơn và đảm bảo rằng thương mại sẽ hỗ trợ tăng trưởng. Cần cấp thiết thay đổi cơ cấu một cách tham vọng hơn để thúc đẩy tiềm năng sản xuất của khu vực châu Á và đối phó với khủng hoảng khí hậu.
Triển vọng tăng trưởng lạc quan của Việt Nam đang ngược với xu hướng chậm lại của các nước khác ở châu Á
Với mức tăng trưởng mạnh đến hết tháng 9, chúng tôi đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam tăng thêm một điểm phần trăm trong năm 2022 lên mức 7,0%, và mức tăng trưởng này thậm chí có thể còn cao hơn. Tuy nhiên, do cầu bên ngoài dự kiến chậm lại và điều kiện tài chính thắt chặt hơn, chúng tôi đã điều chỉnh tăng trưởng trong năm 2023 xuống 5,8%, mặc dù vậy mức này vẫn ngược với triển vọng mờ nhạt ở những nước khác và sẽ là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn của châu Á.
Lạm phát dự kiến sẽ tăng lên trước khi dần trở lại dưới mức 4%. Rủi ro đối với tăng trưởng là thiên về suy giảm tăng trưởng và rủi ro đối với lạm phát là lạm phát có thể tăng lên. Các chính sách cần được căn chỉnh, phối hợp và truyền thông một cách thận trọng để quản lý rủi ro và giảm bớt sự đánh đổi chính sách. Trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ cần tập trung vào ổn định giá cả. Nên cân nhắc một vị thế chính sách chặt chẽ hơn nếu áp lực lạm phát gia tăng và việc đảm bảo ổn định tài chính vẫn nên là ưu tiên hàng đầu. Các chính sách tài khóa cần được duy trì linh hoạt và được nhắm trúng đối tượng tốt hơn nếu áp lực lạm phát tăng lên.
Để lại một phản hồi