“Chúng tôi không thấy có điều gì trái với đánh giá sơ bộ của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda rằng vụ nổ khả năng cao do một tên lửa phòng không Ukraine gây ra”, Nhà Trắng cho biết ngày 16/11. “Rõ ràng, bên chịu trách nhiệm cuối cùng cho sự cố bi thảm này là Nga, quốc gia đã tập kích tên lửa vào Ukraine”.
Giới chức Ba Lan ngày 15/11 thông báo tên lửa rơi xuống làng Przewodow ở đông nam nước này, giáp biên giới với Ukraine, khiến hai dân thường thiệt mạng. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Ba Lan Duda ngày 16/11 nhận định sự việc có thể do tên lửa phòng không Ukraine gây ra.
Ông Stoltenberg cho rằng tên lửa có thể đã được bắn để bảo vệ lãnh thổ Ukraine trước các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình Nga. Tổng thống Duda nói không có bằng chứng cho thấy tên lửa do phía Nga phóng, thêm rằng đây có thể là tên lửa phòng không S-300.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 16/11 nói ông chưa thấy bằng chứng tên lửa rơi xuống Ba Lan là của Ukraine và Kiev phải được tham gia điều tra sự việc.
“Tôi tin đó không phải tên lửa của chúng tôi”, ông Zelensky phát biểu trên truyền hình. “Tôi tin đó là tên lửa của Nga, dựa trên các thông tin quân sự của chúng tôi”.
“Chúng tôi đã nắm được bình luận của Tổng thống Zelensky… nhưng chúng tôi không có thông tin nào trái ngược với kết luận sơ bộ của Ba Lan”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ trả lời khi được hỏi về các tuyên bố của Ukraine, Ba Lan và NATO.
Điện Kremlin ngày 16/11 nói một số quốc gia đã đưa ra “các tuyên bố vô căn cứ” về vụ việc, cáo buộc Ba Lan phản ứng “thái quá”, nhưng Mỹ lại tương đối kiềm chế. Theo Bộ Ngoại giao Nga, “sự lộn xộn” trong các cáo buộc Nga có liên quan là “một phần trong chiến dịch bài Nga có hệ thống của phương Tây”.
Bộ Quốc phòng Nga khẳng định không có tên lửa nào của nước này rơi gần biên giới của Ba Lan dưới 35 km và hình ảnh mảnh vỡ tại hiện trường cho thấy đó là một tên lửa phòng không S-300 của Ukraine.
Theo Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, nước này vẫn tiếp tục cân nhắc khả năng kích hoạt Điều 4 của NATO, nhưng có vẻ “không cần thiết”.
Điều 4 trong Hiến chương NATO nêu rằng các quốc gia thành viên “sẽ cùng nhau tham vấn bất cứ khi nào, theo đề xuất từ bất kỳ nước nào, về sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hoặc an ninh” của một thành viên khác khi họ bị đe dọa.
Nếu Ba Lan viện dẫn Điều 4, vụ tên lửa rơi trên lãnh thổ nước này sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bắc Đại Tây Dương, cơ quan ra quyết định chính trị của NATO. Các quốc gia thành viên không bắt buộc phải hành động nếu Điều 4 được kích hoạt, mặc dù những cuộc thảo luận như vậy có thể dẫn đến quyết định thực hiện hành động chung của NATO.
Điều 4 đã được kích hoạt 7 lần kể từ khi NATO thành lập vào năm 1949. Gần đây nhất, Latvia, Litva, Ba Lan, Bulgaria, Cộng hòa Czech, Estonia, Romania và Slovakia đã viện dẫn điều khoản này để tổ chức các cuộc họp của khối sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Như Tâm (Theo AFP, Reuters)
Để lại một phản hồi