Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 18/8, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đang yêu cầu cộng đồng tình báo xác minh thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington rằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhất của Triều Tiên có thể dựa vào công nghệ của Nga.
“Đây cũng là một khả năng. Nga đã tìm cách có vũ khí từ Triều Tiên để phục vụ cuộc chiến ở Ukraine và thường đưa ra một số hình thức hợp tác an ninh để đổi lại. Vì vậy, chúng tôi đang xem xét kỹ lưỡng thông tin này”, ông Sullivan cho hay.
Mỹ từng cáo buộc Triều Tiên cung cấp đạn pháo và một số vũ khí cho Nga, nhưng Bình Nhưỡng và Moskva bác bỏ thông tin này.
Sullivan nhấn mạnh Mỹ vẫn chưa nhận thấy bất kỳ hoạt động trao đổi công nghệ nào giữa Nga với Triều Tiên, nhưng lưu ý rằng “đó là vấn đề đáng lo ngại”.
Trong bài đăng trên website của CSIS, giáo sư Theodore Postol thuộc Viện Công nghệ Massachusetts cho rằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-18 mà Triều Tiên phóng thử hôm 12/7 có nhiều điểm tương đồng với tên lửa Topol-M của Nga.
Ông cho rằng Triều Tiên không thể sở hữu một số công nghệ trên tên lửa Hwasong-18 nếu không hợp tác với chính phủ và các nhà khoa học Nga.
Nga và Triều Tiên hiện chưa phản hồi thông tin này.
Tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nhật – Hàn diễn ra tại Trại David ngày 18/8, Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Fumio Kishida và Tổng thống Yoon Suk-yeol cam kết nhanh chóng tham vấn lẫn nhau đối với mọi mối đe dọa nhắm vào bất kỳ quốc gia nào.
“Chúng tôi đang tăng cường chia sẻ thông tin, trong đó có các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, tăng cường hợp tác phòng thủ tên lửa đạn đạo”, ông Biden nói.
Tổng thống Mỹ cũng cho biết lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ thiết lập đường dây nóng để chia sẻ thông tin cũng như phối hợp ứng phó trong trường hợp xảy ra khủng hoảng trong khu vực, đồng thời tái khẳng định “cam kết chung nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”.
Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát, Bình Nhưỡng đã củng cố mối quan hệ chặt chẽ với Moskva. Triều Tiên nhiều lần công khai ủng hộ Nga tại Liên Hợp Quốc, nhấn mạnh rằng “chính sách bá quyền và độc đoán” của Mỹ và các đồng minh phương Tây là nguyên nhân dẫn đến chiến sự.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 14/8 gửi thư cho Tổng thống Nga Vladimir Putin nhân dịp kỷ niệm 78 năm chấm dứt thời kỳ Nhật chiếm đóng bán đảo Triều Tiên, bày tỏ mong muốn quan hệ song phương phát triển thành “quan hệ chiến lược lâu dài phù hợp với nhu cầu của thời đại mới”. Trong thư hồi đáp, ông Putin cũng khẳng định sẽ tăng cường quan hệ song phương với Triều Tiên.
Huyền Lê (Theo Guardian, Anadolu)
Để lại một phản hồi