Siêu núi lửa Hawaii phun dòng dung nham cao 60 m

4 vết nứt đã mở ra trên ngọn núi khổng lồ, theo các nhà địa chất. Những đám khói và hơi nước lớn không ngừng bốc lên từ ngọn núi, chiếm một nửa Đảo Lớn của Hawaii.

“Ước tính dòng dung nham lớn nhất cao từ 30 đến 60 m”, nhưng hầu hết đều nhỏ hơn, Cục Khảo sát Địa chất Mỹ cập nhật hôm 29/11. “Có thể nhìn thấy một luồng khí từ các khe nứt cùng các dòng dung nham, với luồng khí chủ yếu được thổi về phía tây bắc”.

Dòng dung nham phun trào từ núi lửa Mauna Loa của Hawaii hôm 28/11. Ảnh: AP.

Dòng dung nham phun trào từ núi lửa Mauna Loa của Hawaii hôm 28/11. Ảnh: AP.

Các nhà địa chất cho biết hiện không có rủi ro nào đối với người dân và tài sản trong khu vực.

“Dòng dung nham dài nhất và lớn nhất đang chảy ra từ khe nứt thứ ba,” USGS cho hay. “Dòng dung nham này băng qua Đường Quan sát Thời tiết Mauna Loa và nằm cách đường Saddle (con đường chính ở chân sườn phía bắc ngọn núi) khoảng 10 km”.

Cũng theo USGS, dòng dung nham từ vết nứt mới nhất cao khoảng 10 m. Mặc dù dung nham hiện không phải là nguy cơ đối với dân cư, các nhà khoa học cảnh báo gió có thể phát tán khí núi lửa và tro mịn, cũng như “Tóc của Pele”, những sợi thủy tinh núi lửa mịn được hình thành khi các cuộn dung nham nguội đi nhanh chóng trong không khí. Được đặt theo tên của nữ thần núi lửa Hawaii Pele, những sợi thủy tinh này có thể rất sắc, gây nguy hiểm cho da và mắt.

Giới chức Hawaii chưa đưa ra bất kỳ lệnh sơ tán nào, song vùng đỉnh núi và một số con đường trong khu vực đã bị đóng và hai nơi trú ẩn được thiết lập để đề phòng trường hợp khẩn cấp.

Núi lửa Mauna Loa cao 4.169 m, là núi lửa lớn nhất còn hoạt động trên thế giới. Nó đã phun trào 33 lần kể từ sự kiện đầu tiên được ghi nhận năm 1843. Lần gần nhất núi lửa phun trào là tháng 4/1984, tạo ra dòng dung nham di chuyển cách thành phố Hilo khoảng 8 km.

Vũ Hoàng (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*