Khác biệt trong cách đánh của Nga và Ukraine

Khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã khiến đối phương bất ngờ khi tung lực lượng đổ bộ đường không cơ động nhanh đánh chiếm sân bay Antonov ở ngoại ô Kiev, nhằm phối hợp với các mũi tiến công của bộ binh để nhanh chóng khuất phục Ukraine.

Nhưng chiến thuật “đánh nhanh thắng nhanh” này đã phá sản do vấp phải sức kháng cự của quân đội Ukraine. Quân đội Nga dần co cụm lại và chuyển sang cách đánh tổng lực, tập trung hỏa lực tối đa tấn công cả mục tiêu quân sự lẫn kinh tế và cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine.

Nga đã tập kích tên lửa vào Kiev và nhiều thành phố khác, phá hủy một số tòa chung cư, tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng và tiến hành những chiến dịch vây hãm kéo dài, tận dụng tối đa hỏa lực pháo binh, biến các đô thị ở Mariupol, Severodonetsk hay Bakhmut thành đống đổ nát.

Căn nhà bị phá hủy ở Kharkov, Ukraine, hôm 12/6/2022. Ảnh: AFP.

Tòa nhà bị phá hủy ở Kharkov, Ukraine, hôm 12/6/2022. Ảnh: AFP.

Trong khi đó, Ukraine theo đuổi cách tiếp cận chiến tranh cổ điển, nơi thắng thua được định đoạt bằng các trận đánh trên chiến trường. Để bảo vệ các thành phố, nhà máy và hạ tầng năng lượng, lực lượng Ukraine cố gắng tránh gây thiệt hại không cần thiết cho các khu vực dân sự, đồng thời ưu tiên sử dụng các loại vũ khí hiện đại để tấn công mục tiêu quân sự Nga có giá trị cao.

Ngoài ra, Mỹ và các đồng minh cũng hạn chế khả năng Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga, nhằm tránh một cuộc chiến tranh toàn diện. Washington cũng từ chối gửi tên lửa tầm xa hay tiêm kích, những vũ khí cho phép Kiev tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

“Kết quả của những hạn chế đó là Nga đã và đang tiến hành cuộc chiến tổng lực trên mọi phương diện với Ukraine, trong khi Kiev chỉ có thể tấn công mục tiêu quân sự của Moskva. Sự tương phản trong cách đánh của Nga và Ukraine ngày càng trở nên rõ ràng hơn khi cuộc chiến kéo dài”, Lawrence Freedman, giáo sư danh dự về nghiên cứu chiến tranh tại trường King’s College London, nhận định.

Theo giới chuyên gia, khác biệt trong cách đánh này còn phụ thuộc vào vũ khí của mỗi bên.

Dựa vào thông tin tình báo và các loại vũ khí có độ chính xác cao được phương Tây cung cấp, Ukraine có thể tập kích các mục tiêu Nga phía sau tiền tuyến như sở chỉ huy, kho đạn, trung tâm hậu cần hay các khu vực tập kết lực lượng của đối thủ. Trong khi đó, Nga không có nhiều lựa chọn ngoài sử dụng hỏa lực pháo binh áp đảo hay tên lửa tầm xa để tập kích các thị trấn, thành phố Ukraine.

Sau một năm giao tranh, cách đánh của Nga dường như không thành công như mong đợi, theo giới quan sát. Các cuộc tấn công dữ dội vào hạ tầng dân sự và kinh tế Ukraine đã không làm giảm ủng hộ của người dân với chính phủ ở Kiev. Thay vào đó, nó khiến Ukraine càng quyết tâm hơn để giành lại tất cả các vùng lãnh thổ mà Nga kiểm soát.

Đồng thời, mức độ tàn phá từ các đợt tấn công của Nga càng khiến phương Tây tăng cường hỗ trợ Ukraine. Các mục tiêu chiến tranh toàn diện của Nga củng cố niềm tin của Kiev rằng không có “thỏa hiệp hòa bình”.

Binh lính Ukraine tại vị trí chiến đấu gần thành phố Bakhmut, tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine ngày 27/1. Ảnh: AFP.

Binh lính Ukraine tại vị trí chiến đấu gần thành phố Bakhmut, tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine ngày 27/1. Ảnh: AFP.

Trong những tháng tới, hướng đi của cuộc chiến cũng có thể được định hình bởi thay đổi trong cán cân hỏa lực. Ukraine sẽ có nhiều xe bọc thép, xe tăng chiến đấu chủ lực do Mỹ và phương Tây cung cấp. Ngoài ra, Kiev cũng sẽ có khả năng cải thiện hệ thống phòng không, có thêm đạn pháo và tên lửa tầm xa.

Những khí tài hiện đại này có thể thay đổi cục diện chiến trường, nhưng chúng cần nhiều thời gian để binh sĩ Ukraine làm quen và triển khai trên thực địa. Trong thời gian đó, giới phân tích cho rằng Nga sẽ tăng cường tấn công nhằm giành lợi thế tối đa.

“Ukraine phải đối phó tốt nhất với áp lực này, cũng như mối lo hết đạn dược, đồng thời hy vọng giữ vững phòng tuyến cho đến khi nguy cơ về chiến dịch tấn công mới của Nga mờ dần và Kiev có cơ hội phản công”, Freedman cho hay.

Chuyên gia này thêm rằng vấn đề cơ bản của các cuộc chiến là chúng dễ bắt đầu hơn kết thúc. Khi những nỗ lực ban đầu không thành công và bị cuốn vào cuộc chiến giằng co nhiều tổn thất, Nga sẽ ngày càng khó chấp nhận thất bại.

Ông cho rằng tham vọng tìm kiếm chiến thắng sẽ lấn át những gì diễn ra trên thực tế trên chiến trường, thúc đẩy Nga tiếp tục cách đánh của mình, tăng cường tấn công vào hạ tầng năng lượng và kinh tế Ukraine, cũng như dồn quân bao vây, tấn công các thành phố trọng điểm của đối phương.

“Nga kiên trì với chiến lược tốn kém này có lẽ vì niềm tin rằng quy mô áp đảo về quân số và mức độ sẵn sàng chấp nhận tổn thất của họ cuối cùng sẽ khuất phục được đối phương”, ông nhận định.

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: WP.

Cục diện chiến sự Nga – Ukraine. Đồ họa: WP.

Ngược lại, con đường chiến thắng của Ukraine phụ thuộc vào việc đẩy lùi lực lượng Nga khỏi lãnh thổ. Vì không thể nhắm vào các mục tiêu dân sự trên lãnh thổ Nga, họ phải tận dụng độ chính xác của các hệ thống tầm xa để tấn công tuyến tiếp tế và mạng lưới chỉ huy của đối phương.

“Nga tìm cách đẩy người dân Ukraine vào tình cảnh không thể chịu đựng thêm về hậu quả cuộc chiến. Trong khi đó, Ukraine nỗ lực làm suy yếu các phòng tuyến Nga. Khi cuộc chiến bước vào giai đoạn quan trọng tiếp theo, chiến lược tương phản này sẽ đối mặt với những bài kiểm nghiệm khắc nghiệt nhất”, giáo sư Freedman nhận định.

Thanh Tâm (Theo Foreign Affairs)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*