“Quốc hội Phần Lan sẽ ra quyết định và nếu Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary phê chuẩn, chúng tôi sẽ trở thành thành viên của NATO”, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto nói hôm 22/2.
Quốc hội Phần Lan dự kiến bỏ phiếu về quy trình gia nhập NATO vào ngày 28/2. Động thái này có thể khiến Phần Lan trở thành thành viên liên minh trước Thụy Điển, quốc gia đang vấp phải nhiều vướng mắc trong quá trình gia nhập.
Hai quốc gia Bắc Âu nộp đơn xin gia nhập NATO cùng lúc. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ tới nay vẫn cản trở Thụy Điển và nói chỉ sẵn sàng phê duyệt cho Phần Lan trở thành thành viên NATO.
Tuyên bố của Tổng thống Phần Lan là tín hiệu mới nhất cho thấy nước này đang chuẩn bị gia nhập NATO một mình, dù ông Niinisto nói rằng không nên coi đây là dấu hiệu Helsinki “bỏ lại nước láng giềng”.
“Chúng tôi sẽ hợp tác trong phạm vi cho phép, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ nắm quyền phê chuẩn và chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary phê chuẩn và quốc hội Phần Lan cũng thông qua, chúng tôi sẽ trở thành thành viên”, Tổng thống Niinisto nói.
Tổng thống Phần Lan cho biết thêm hai nước Bắc Âu sẽ tiếp tục đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ trong vài tuần tới. Ông cũng bày tỏ lạc quan rằng cả Phần Lan và Thụy Điển đều sẽ trở thành thành viên NATO sau hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào tháng 7 tại Vilnius.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson trong khi đó tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng khi nước này và Phần Lan gia nhập NATO cùng lúc, cho rằng điều này có lợi cho việc phòng thủ.
“Ai cũng biết chúng ta có quan hệ quân sự rất thân thiết và đó là lý do chúng ta cùng nhau bắt đầu quá trình gia nhập NATO. Mọi thứ có thể trở nên phức tạp nếu một nước gia nhập liên minh NATO còn nước kia thì chưa. Đó là thực tế”, ông Kristersson nói.
Thụy Điển, Phần Lan hồi tháng 5/2022 kết thúc hàng thập kỷ duy trì chính sách trung lập và nộp đơn xin gia nhập NATO. Để trở thành thành viên liên minh, hai quốc gia Bắc Âu phải được quốc hội của toàn bộ 30 quốc gia thành viên phê chuẩn đơn xin gia nhập.
Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary là hai thành viên còn lại chưa đồng ý. Quốc hội Hungary dự kiến phê chuẩn cho cả hai nước vào ngày 1/3, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Thụy Điển chưa đáp ứng các yêu cầu của họ để trở thành thành viên NATO.
Ngọc Ánh (Theo Bloomberg)
Để lại một phản hồi