Người Thổ Nhĩ Kỳ mong thêm phép màu sau thảm họa động đất

Sau yêu cầu của nhân viên cứu hộ, những cư dân của tòa nhà đang tập trung tại hiện trường ngừng nói chuyện. Cần cẩu, máy móc gần đó cũng ngừng hoạt động, tạo điều kiện cho lực lượng cứu hộ lắng nghe rõ hơn tiếng kêu cứu.

Sau vài phút im lặng, nhân viên cứu hộ xác nhận một phụ nữ vẫn còn sống bên dưới đống đổ nát. Họ dỡ gạch đá, đưa bà ra ngoài và gọi xe cứu thương. Đám đông lúc này mới vỡ òa trong nước mắt và tiếng reo hò.

Các nhân viên cứu hộ ôm nhau sau khi phát hiện người phụ nữ còn sống dưới đống đổ nát. Ảnh: BBC.

Các nhân viên cứu hộ ôm nhau sau khi phát hiện người phụ nữ còn sống dưới đống đổ nát. Ảnh: BBC.

Người phụ nữ này là cư dân đầu tiên được tìm thấy còn sống bên dưới tòa chung cư 6 tầng đổ sập ở Iskenderun sau trận động đất mạnh 7,8 độ tấn công khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria ngày 6/2. Em họ và người dì của bà vẫn kẹt dưới đống đổ nát. Trước đó, lực lượng cứu hộ tìm thấy một thi thể, cách nơi bà mắc kẹt chỉ vài mét.

Lực lượng cứu hộ và tình nguyện viên nhanh chóng tạo thành hàng để đưa người phụ nữ đến xe cứu thương đang chờ sẵn, trong khoảnh khắc hạnh phúc hiếm hoi giữa nỗi kinh hoàng nhiều ngày qua.

Cư dân địa phương cho biết bà là một phụ nữ đơn thân ngoài 50 tuổi, sống một mình trong căn hộ ở tòa chung cư. Việc bà được giải cứu đã thắp lên hy vọng vào “phép màu” rằng sẽ có thêm nhiều người sống sót được tìm thấy.

Nhưng bầu không khí tại khu chung cư nhanh chóng ảm đạm trở lại, khi lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm một cách chậm chạp, chủ yếu bằng biện pháp thủ công.

Mehmet Riyat, bác sĩ địa phương, cho biết lực lượng y tế đã bị quá tải kể từ khi thảm kịch xảy ra.

“Chúng tôi đã điều trị cho nhiều nạn nhân bị gãy xương, gãy cổ, chấn thương vùng đầu, rất nhiều trường hợp tử vong”, ông nói. “Là bác sĩ, chúng tôi có trách nhiệm làm công việc của mình. Khi các nhóm hỗ trợ tiếp quản, chúng tôi mới có thời gian lo cho gia đình của mình”.

Thành phố Iskenderun, tỉnh Hatay, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, đã trở thành đống đổ nát với nhiều tòa nhà bị phá hủy, trong đó có một bệnh viện đông đúc.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ngày 8/2 thừa nhận công tác cứu hộ cứu nạn ban đầu còn thiếu sót, song các hoạt động đang ngày càng cải thiện. “Không thể sẵn sàng cho một thảm họa lớn như vậy”, ông nói.

Một phụ nữ ngóng thân nhân kẹt dưới đống đổ nát ở Iskenderun, Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 6/2. Ảnh: AFP.

Một phụ nữ ngóng chờ tin thân nhân kẹt dưới đống đổ nát ở Iskenderun, Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 6/2. Ảnh: AFP.

Biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria là một trong những khu vực thường xảy ra động đất nhiều nhất thế giới. Đây là trận động đất mạnh nhất Thổ Nhĩ Kỳ từng hứng chịu trong gần một thế kỷ qua.

Số người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau trận động đất đã tăng lên hơn 15.000, trong khi nỗ lực cứu hộ gặp khó khăn do thời tiết băng giá. Những người sống sót không đủ thực phẩm và không có nơi trú ẩn, một số phải bất lực nghe tiếng kêu cứu của người thân lịm dần dưới hàng tấn bê tông, gạch đá.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ ước tính khoảng 13,5 triệu người tại khu vực trải dài 450 km từ Adana ở phía tây đến Diyarbakir ở phía đông bị ảnh hưởng bởi động đất. Ankara đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài ba tháng với 10 tỉnh để đẩy nhanh nỗ lực ứng phó.

Tâm chấn của trận động đất ngày 6/2. Đồ họa: Reuters.

Tâm chấn của trận động đất ngày 6/2. Đồ họa: Reuters.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*