Người Thổ Nhĩ Kỳ gượng dậy sau thảm họa động đất

Arslan cùng chồng và ba con đã sống sót sau 5 ngày mắc kẹt dưới đống đổ nát của tòa chung cư 5 tầng. Tại thị trấn Nurdagi nơi họ sống, hầu hết tòa nhà đều sụp đổ, hoặc bị hư hại nghiêm trọng và cần được phá dỡ.

Hai tuần sau khi được xuất viện, gia đình 5 người đang cố gắng gạt bỏ những gì thuộc về quá khứ và xây dựng thói quen sinh hoạt mới trong ngôi nhà container được bố trí phía sau một trạm xăng.

“Chúng tôi từng là một gia đình khá giả, có hai ngôi nhà và một chiếc ôtô. Chúng tôi rất biết ơn Thánh Allah vì tất cả những điều đó. Và bây giờ chúng tôi biết ơn vì các con an toàn. Tôi cũng không còn sợ vì đã có gia đình bên cạnh”, Arslan nói.

Số người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ sau thảm kịch động đất ở khu vực biên giới ngày 6/2 tăng lên gần 46.000 người. Nước láng giềng Syria cũng ghi nhận khoảng 6.000 người chết.

Arslan và chồng là Hasan mất tổng cộng 36 người thân trong trận động đất. Bà của cô may mắn sống sót, đang trú trong nhà container bên cạnh.

Gia đình Arslan ăn sáng cùng những người họ hàng sống sót bên ngoài một ngôi nhà containter ở thị trấn Nurdagi, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 4/3. Ảnh: Reuters.

Gia đình Arslan ăn sáng cùng những người họ hàng sống sót bên ngoài khu nhà containter ở thị trấn Nurdagi, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 4/3. Ảnh: Reuters.

Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) ước tính 1,5 triệu người ở Thổ Nhĩ Kỳ mất nhà ở và cần xây khoảng 500.000 ngôi nhà mới. Louisa Vinton, quan chức UNDP, ngày 7/3 cho biết thiệt hại với Thổ Nhĩ Kỳ do thảm họa động đất sẽ lên tới hơn 100 tỷ USD.

Hasan, kế toán viên, mong sẽ sớm sẵn sàng quay lại làm việc. “Khách hàng bắt đầu liên lạc lại, công việc đổ về, họ sẽ gửi tôi máy tính và máy in. Tôi sẽ bắt đầu từ nơi tôi dừng lại”, anh nói, chỉ vào một chiếc két sắt bám bụi chứa tài liệu công việc được lấy từ đống đổ nát từng là phòng làm việc của anh.

Hai vợ chồng đều rất vui khi hai con học lớp 4 và lớp 8 đã có thể đi học trở lại. Con gái lớn là Fatmagul, 19 tuổi, cũng bắt đầu ôn luyện cho kỳ thi đại học vài tháng tới.

“Trẻ em cần đến trường”, Arslan nói, cho biết giới chức đang lập trường dã chiến tại “thành phố lều” gần đó. Lứa trẻ em đầu tiên được đi học hai ngày/tuần.

“Tôi muốn con đi học, nhưng chỉ khi con bé ổn định, nên tôi đợi. Một ngày, tôi thức dậy và thấy con ngồi học trên bàn, nói rằng: ‘Mẹ à, chúng ta phải bắt đầu từ đâu đó'”, Arslan kể.

Fatmagul, 19 tuổi, ngồi trên đống đổ nát nơi từng là tổ ấm, ngày 4/3. Ảnh: Reuters.

Fatmagul, 19 tuổi, ngồi trên đống đổ nát nơi từng là tổ ấm, ngày 4/3. Ảnh: Reuters.

Vào đêm trận động đất kinh hoàng xảy ra, hai vợ chồng và các con chỉ kịp ôm nhau trong căn hộ ở tầng hai, trong lúc tòa nhà chao đảo.

Những bức từng xung quanh và sàn nhà bắt đầu sụp xuống. Gia đình Arslan rơi xuống tầng một, trong khi 4 tầng phía trên đổ sập xuống chỉ vài giây sau đó.

5 người kẹt trong không gian dốc, không thức ăn, nước uống, không biết khái niệm về thời gian.

Sau vài ngày mắc kẹt, họ bắt đầu bị ảo giác. “Tôi nhìn thấy táo và cam trong cơn đói mờ mắt, nhưng không thể cầm nắm, trong khi mẹ tôi nói chuyện điện thoại trong khi không cầm gì trên tay”, Fatmagul nói.

Khi họ trở nên tuyệt vọng, một đội cứu hộ đã nghe thấy tiếng kêu cứu của gia đình. “Tôi ở đây, có 5 người ở đây. Tất cả chúng tôi đều còn sống”, cô gái 19 tuổi nhớ lại mình đã hét lớn trong khoảnh khắc đó.

Những tòa nhà đổ sập ở Thổ Nhĩ Kỳ tạo ra 100 triệu mét khối gạch vụn, bê tông, thép và các vật liệu xây dựng khác, đủ để bao phủ một nửa thủ đô Washington của Mỹ trong đống đổ nát cao một mét, theo ước tính của UNDP.

Đức Trung (Theo Reuters)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*