VN-Index vừa trải qua tuần giao dịch nhiều biến động trước những tin tức tốt xấu đan xen ở tình hình thế giới và trong nước. Về diễn biến cụ thể, thị trường mở cửa tuần lình xình rồi ghi nhận mức giảm điểm khá mạnh tới gần 13 điểm trong phiên thứ ba (14/3) ngay sau đó. Tuy nhiên, chỉ số chính bất ngờ đảo chiểu tăng mạnh lên đến 22 điểm và vượt 1.060 trong phiên thứ tư (15/3) nhờ lực cầu bắt đáy cũng như thông tin Ngân hàng nhà nước Việt Nam điều chỉnh giảm một số lãi suất điều hành. Mặc dù vậy, sắc đỏ đã nhanh chóng quay trở lại với VN-Index trong hai phiên cuối tuần.
Qua đó kết thúc tuần giao dịch (13-17/3), VN-Index dừng ở mức 1.045,14 điểm, giảm 7,86 điểm (-0,75%) so với tuần trước.
Thanh khoản cải thiện trên mức trung bình với giá trị giao dịch trên HoSE tăng 20,8% so với tuần trước lên mức 52.013,63 tỷ đồng. Giá trị giao dịch tăng 0,5% lên 4.691,86 tỷ đồng. Tuần này nhà đầu tư nước ngoài vẫn tăng cường giao dịch và duy trì mua ròng với giá trị mua ròng 2.189,88 tỷ đồng dưới ảnh hưởng tích cực của quỹ Fubon.
Xét theo mức độ đóng góp, VCB, VHM, VNM và HPG là những mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Trong đó, tính riêng VCB đã lấy đi hơn 2,3 điểm của chỉ số này. Ở chiều ngược lại, VJC, VPB và HDB là những cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất trong tuần.
Về diễn biến nhóm ngành, nhóm cổ phiếu bất động sản trước những thông tin tích cực hỗ trợ đã số duy trì tăng điểm tốt trong tuần như NVL (+7,98%), DIG (+5,51%), DXG (+4%). Trong khi đó nhóm cổ phiếu dầu khí có diễn biến kém tích cực nhất dưới áp lực giảm mạnh của giá dầu như PLX (-7,21%), PVC (-6,96%), PVD (-5,02%), PVS (-3,79%)…
SHS đánh giá VN-Index vẫn duy trì được trạng thái nằm trong kênh uptrend ngắn hạn (kênh giữa 2 đường kẻ xanh) và trên đường MA20, như vậy trạng thái kỹ thuật không có quá nhiều khác biệt so với đóng cửa tuần trước. Nếu thị trường tiếp tục đi ngang hoặc điều chỉnh trong tuần tới thì xu hướng tích lũy chặt chẽ dần sẽ chiếm ưu thế và lúc đó có thể dần xác nhận VN-Index đang hướng tới khu vực cân bằng quanh 1.050 điểm để tích lũy cạn kiệt.
“Thị trường trong ngắn hạn vẫn có các cơ hội giải ngân nhưng không nhiều. Đối với đầu tư trung – dài hạn, nhà đầu tư nên tập trung vào các cổ phiếu mạnh đang có xu hướng tích lũy, phục hồi sớm và tiếp tục duy trì uptrend, các cổ phiếu dẫn đầu ngành và vẫn duy trì được tăng trưởng lợi nhuận và tiếp tục có kỳ vọng tăng trưởng trong năm nay. Việc mua vào nên được được hiện dần trong suốt quá trình tích lũy và trong các phiên điều chỉnh”, SHS khuyến nghị.
Về kỹ thuật, VCBS cho biết VN-Index kết tuần tạo mẫu hình nến doji thể hiện sự lưỡng lự trong tâm lý nhà đầu tư xung quanh vùng 1.030 – 1.050 điểm và đây cũng đang là vùng tích lũy ngắn hạn của thị trường kể từ khoảng giá tháng 2/2023 đến nay. Xét trên khung đồ thị tuần, VN-Index vẫn đang bám sát và nằm trên đường trung bình động MA20. Chỉ báo DI+ ở khung đồ thị tuần cũng chưa cho tín hiệu về xu hướng mới so với tuần trước và vẫn đang hướng lên tích cực, cho thấy khả năng lớn hơn là VN-Index vẫn tiếp tục có xu hướng phân hóa tăng điểm hướng lên các vùng điểm số cao hơn.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục duy trì vị thế cổ phiếu khoảng 15-25% trong tài khoản và bám sát diễn biến thị trường trong tuần tới, đồng thời hạn chế giải ngân trước khi chỉ số VN-Index thành công bứt phá khỏi vùng kháng cự quanh 1.050 hiện tại.
Còn theo MBS, tuần này thị trường được hỗ trợ bởi thông tin giảm lãi suất nhưng lực cầu nội lại không mấy hào hứng. Về kỹ thuật, khả năng thị trường lại duy trì trạng thái đi ngang trong biên độ hẹp ở tuần sau, thanh khoản cũng được dự báo sẽ giảm so với tuần này.
Do vậy, MBS lưu ý nhà đầu tư không nên lướt sóng trong bối cảnh thanh khoản ở mức thấp. Vùng hỗ trợ cho chỉ số VN-Index ở khu vực 1.030 – 1.033 điểm, thanh khoản thấp nên dòng tiền cũng không lưu trú quá 1 vòng T+ ở các nhóm cổ phiếu tín hiệu như: đầu tư công, dầu khí, thép, sản xuất điện,…
Để lại một phản hồi