Tân Thủ tướng Trung Quốc với trọng trách vực dậy nền kinh tế

Tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tuyên thệ sau khi đắc cử. Ảnh: Reuters
Tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tuyên thệ sau khi đắc cử. Ảnh: Reuters

Ngày 11/3, tại phiên họp toàn thể lần thứ 4 Kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn Quốc (tức Quốc hội Trung Quốc) khóa XIV diễn ra ở Bắc Kinh, ông Lý Cường, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã được bầu làm Thủ tướng Trung Quốc, thay ông Lý Khắc Cường.

Theo hãng tin Reuters, ông Lý Cường, cựu Bí thư Thành ủy Thượng Hải, được đánh giá là người thực tế và gần gũi với doanh nghiệp. Thách thức đặt ra cho tân Thủ tướng Trung Quốc là thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong bối cảnh xuất hiện những cơn gió ngược toàn cầu và niềm tin của người tiêu dùng và khu vực tư nhân sụt giảm.

Ông Lý Cường nhậm chức trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với phương Tây ở một loạt vấn đề, trong đó có các động thái của Mỹ nhằm ngăn chặn khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các công nghệ lõi và việc nhiều công ty đa quốc gia chọn đa dạng hóa chuỗi cung ứng để phòng ngừa rủi ro chính trị và sự gián đoạn của “kỷ nguyên” Covid.

Reuters dẫn lời các nhà phân tích cho hay ông Lý Cường là thủ tướng đầu tiên kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa từng phục vụ trong chính quyền trung ương.

“Tôi hiểu rằng ông Lý Cường sẽ có nhiều không gian và quyền hạn hơn trong hệ thống”, Trey McArver, nhà đồng sáng lập Công ty tư vấn Trivium China, bình luận.

Dưới tác động của dịch Covid-19, nền kinh tế Trung Quốc chỉ đạt tăng trưởng 3% vào năm ngoái. Tại lễ khai mạc Kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc khóa XIV vào ngày 5/3 vừa qua, chính quyền Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn cho năm 2023 là khoảng 5%, mức thấp nhất trong gần ba thập kỷ.

Ông Christopher Beddor, Phó giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Công ty nghiên cứu vĩ mô Gavekal Dragonomics, cho rằng nhiệm vụ hàng đầu của Tân Thủ tướng Trung Quốc trong năm nay là vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra mà không gây ra lạm phát nghiêm trọng hoặc gia tăng nợ.

Cũng theo ông Beddor, việc Trung Quốc chưa phát tín hiệu về các biện pháp kích thích để thúc đẩy tăng trưởng, thì những rủi ro tiềm ẩn như sự suy giảm xuất khẩu và khủng khoảng bất động sản có thể buộc tân Thủ tướng phải ra tay.

“Giới lãnh đạo [Trung Quốc – BTV] đã chấp nhận hai năm tăng trưởng kinh tế đặc biệt thấp với lý do ngăn chặn Covid”, đại diện Gavekal Dragonomics đánh giá.

Tuy nhiên, quá trình phục hồi sau đại dịch của Trung Quốc đã diễn ra không đồng đều, với lạm phát tháng 2/2023 bất ngờ giảm nhẹ, còn “gã khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc JD.com mới đây lên tiếng rằng việc xây dựng lại niềm tin của người tiêu dùng đòi hỏi cần có thời gian.

Vài năm gần đây, một số công ty tư nhân thành công nhất Trung Quốc như Alibaba, đã lao đao khi Bắc Kinh siết chặt quản lý các công ty công nghệ. Và Tân Thủ tướng Trung Quốc được cho là sẽ phải nỗ lực để khôi phục niềm tin vào khu vực tư nhân.

Giới đầu tư quốc tế đã tỏ ra cảnh giác với thị trường Trung Quốc. Lần đầu tiên sau 25 năm thực hiện cuộc khảo sát, Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho biết vào đầu tháng này rằng phần lớn các công ty được khảo sát đều đánh giá Trung Quốc không còn thuộc nhóm “ba ưu tiên đầu tư hàng đầu” của họ.

Trung Quốc đang cố gắng cải thiện hình ảnh môi trường kinh doanh trong mắt các doanh nghiệp. Mới đây nhất, Tân Hoa xã đưa tin rằng tại cuộc gặp Phó chủ tịch Tập đoàn chip Qualcomm của Mỹ, một quan chức của cơ quan kế hoạch nhà nước Trung Quốc đã khẳng định rằng họ sẽ đem đến một môi trường kinh doanh tốt cho các công ty đa quốc gia.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*