Ông Lý Cường, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc khóa 20, ngày 11/3 được bầu làm tân Thủ tướng trong kỳ họp của Đại hội Đại biểu nhân dân Toàn quốc Trung Quốc, tức quốc hội, ở Bắc Kinh.
Đây là vị trí quyền lực số hai trong nền chính trị Trung Quốc, sau Chủ tịch Tập Cận Bình. Điều này cũng được thể hiện rõ trong lễ ra mắt Ban Thường vụ Bộ Chính trị, khi ông Lý Cường đứng ở vị trí thứ hai, sau ông Tập.
Đường thăng tiến của chính trị gia 63 tuổi này gây nhiều chú ý với giới quan sát, bởi ông thiếu vắng một số yếu tố vốn được xem là “quy định bất thành văn” trước đây, như phải kinh qua vị trí phó thủ tướng hay trui rèn bản lĩnh lãnh đạo ở các địa phương kém phát triển kinh tế tại phía tây đất nước. Những người tiền nhiệm của ông Lý đều có ít nhất 5 năm kinh qua vị trí phó thủ tướng trước khi được bổ nhiệm làm người đứng đầu Quốc Vụ viện.
Ông Lý Cường quê ở Chiết Giang, theo học ngành cơ giới hóa nông nghiệp tại đại học tỉnh. Sau khi tốt nghiệp, ông đảm nhiệm các vị trí trong chính quyền tỉnh, trước khi trở thành bí thư thành ủy Ôn Châu.
Trong hai thập kỷ qua, ông đã đảm trách nhiều chức vụ lãnh đạo đảng và chính quyền cao nhất ở cấp địa phương tại các vùng trọng điểm kinh tế duyên hải phía đông, gồm tỉnh trưởng Chiết Giang (2012-2016), bí thư tỉnh ủy Giang Tô (2016-2017) và bí thư thành ủy Thượng Hải (2017-2022).
Ông Lý được giới quan sát đánh giá là nhà quản lý có thiên hướng thực dụng và chủ trương thúc đẩy kinh doanh. Ông đã góp sức thúc đẩy hội nhập kinh tế ở khu vực đồng bằng sông Trường Giang cũng như giám sát việc mở rộng khu thương mại tự do của Thượng Hải, nơi có nhà máy sản xuất ôtô Tesla của Mỹ cũng như một loạt công ty sản xuất chất bán dẫn.
Sau nhiều năm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế các địa phương, ông Lý Cường là chính trị gia có xu hướng thân thiện với kinh doanh nhất trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Ông được bầu trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đối mặt nhiều khó khăn, khi tăng trưởng GDP năm ngoái ở mức 3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5%. Trung Quốc năm nay đặt mục tiêu tăng trưởng 5%, nhưng đây cũng được xem là mức đầy thách thức.
Đảm nhận ghế Thủ tướng đồng nghĩa ông đã được giao hàng loạt trọng trách hồi phục tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia, hóa giải các nguy cơ, khai mở tiềm năng tăng trưởng bền vững dài hạn và đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế thu nhập cao.
Tại Đại hội 20 cuối năm ngoái, ông Tập Cận Bình được gọi là “hạt nhân của Ủy ban Trung ương đảng và của toàn đảng”, qua đó khẳng định tầm nhìn của ông giữ vai trò trung tâm trong đường lối phát triển đất nước. Giới chuyên gia đánh giá ông Lý sẽ giúp triển khai các chính sách kinh tế sát với tầm nhìn của ông Tập hơn, thay vì giữ vai trò “nhạc trưởng” cho nỗ lực cải cách định hướng phát triển đất nước.
“Thế mạnh lớn của ông Lý Cường là có thâm niên làm việc với ông Tập Cận Bình ở vai trò cố vấn thân tín”, Andrew Collier, chuyên gia về Trung Quốc tại tổ chức tư vấn chiến lược Global Source Partners ở Mỹ, nói.
Trong giai đoạn ông Tập giữ ghế bí thư tỉnh ủy Chiết Giang, ông Lý Cường đã đảm trách hai vị trí gồm tổng thư ký đảng ủy tỉnh vào năm 2004 và ủy viên thường vụ tỉnh ủy một năm sau.
Năm 2015, ông Lý tháp tùng Chủ tịch Tập trong chuyến thăm tới Washington, gặp tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama. Tại Seattle, ông Lý có bài phát biểu kêu gọi hợp tác nhiều hơn giữa các công ty Mỹ và Trung Quốc.
Các học giả trong nước đánh giá sự tín nhiệm mà ông Tập dành cho ông Lý có thể giúp tân Thủ tướng Trung Quốc đưa ra nhiều quyết sách táo bạo, qua đó tháo gỡ nút thắt cho một số vấn đề cấp bách về kinh tế và phát triển ở nước này. Một nhà phân tích kinh tế Trung Quốc tin rằng ông Lý Cường sẽ có thêm dư địa để tạo ảnh hưởng lớn lên chính sách, đồng thời duy trì chúng đi đúng theo tầm nhìn mà ông Tập đã đặt ra.
Ông Lý từng thể hiện rõ mức độ tuân thủ sát sao những chính sách đã được trung ương quán triệt, gần đây nhất là trong giai đoạn thực hiện chiến lược Không Covid tại Thượng Hải nửa đầu năm ngoái. Khi thành phố áp dụng biện pháp phong tỏa suốt nhiều tháng, ông Lý liên tục xuất hiện trên truyền thông nhà nước, đến thăm các khu dân cư, bệnh viện. Ông nhấn mạnh đường lối chống dịch là “thực hiện các chỉ thị quan trọng của Tổng bí thư Tập Cận Bình và duy trì chính sách kiểm soát Covid-19 linh hoạt”.
Các nhà phân tích cho rằng ông Lý trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ Thủ tướng sẽ được giảm phần nào áp lực ổn định kinh tế nhờ làn sóng phục hồi sau khi nới lỏng các biện pháp chống dịch. Điều này sẽ giúp ông Lý cùng nội các có thêm thời gian tập trung cho nhiều vấn đề cấp bách hơn, trong đó có cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, kiểm soát tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm dân số trẻ và cải thiện chỉ số chi tiêu khu vực tư nhân.
“Ông Lý là người ủng hộ nhiệt thành về mở cửa thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài và từng chủ trương chính quyền địa phương tạo môi trường thân thiện hơn với kinh doanh, đặc biệt trong giai đoạn công tác tại Thượng Hải”, Wang Feng, chủ tịch công ty dịch vụ tài chính Ye Lang Capital có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết.
“Ông ấy sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cả trong và ngoài nước, tăng cường giao thương xuyên biên giới, đồng thời yêu cầu chính quyền các cấp cắt giảm thủ tục hành chính”, Wang dự báo.
Ông Lý trong giai đoạn là bí thư thành ủy Thượng Hải nổi tiếng với phong cách làm việc chủ động, thường xuyên yêu cầu quan chức địa phương nhanh chóng phản hồi các đề xuất của doanh nghiệp nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh năng động.
Ông yêu cầu giới chức Thượng Hải giảm thời gian xử lý đăng ký kinh doanh, cấp phép sản xuất hay đấu nối điện công nghiệp. Giới chức Thượng Hải kể rằng cựu bí thư thành ủy luôn thẳng thắn khiển trách những cán bộ có tâm lý “nằm thẳng”, ám chỉ những công chức chỉ làm tròn nhiệm vụ mà không muốn cố gắng thêm.
Tân Thủ tướng Trung Quốc đã để lại dấu ấn đáng kể về kinh tế ở gần như mọi địa phương ông từng đảm nhận vị trí lãnh đạo. Ông được xem là “bộ não” phía sau chương trình nâng cấp toàn diện mô hình tăng trưởng kinh tế của thành phố Ôn Châu trong giai đoạn làm bí thư thành ủy, thúc đẩy phát triển nền kinh tế Internet ở Chiết Giang, xây dựng nhanh chóng siêu nhà máy cho Tesla ở Thượng Hải và thành lập ủy ban đặc biệt về khoa học công nghệ cho thành phố để đầu tư phát triển các hoạt động kinh tế mới.
Giới doanh nhân Trung Quốc từng làm việc với ông Lý Cường thường ấn tượng bởi tính cách cầu thị và tư duy thực tế ở chính trị gia này. Trong giai đoạn làm bí thư thành ủy Ôn Châu (2002-2004), địa phương có nền kinh tế lớn thứ 27 tại Trung Quốc, ông đã tuyên bố tạo “cách mạng năng suất” trong khu vực hành chính công, rút ngắn thủ tục và tinh giản quy trình cấp phép. Những nỗ lực cải cách của ông Lý đã khiến ông Tập Cận Bình, khi đó làm bí thư tỉnh ủy Chiết Giang, chú ý và khen ngợi.
Năm 2013, khi làm bí thư tỉnh ủy Chiết Giang, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí kinh tế tài chính Caixin, ông Lý chia sẻ tầm nhìn cải cách chính quyền địa phương, hạn chế can dự quá sâu vào kinh tế nhưng vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả, chuyển từ kiểm soát sang phục vụ doanh nghiệp.
Ông cho rằng chính quyền địa phương nên “cất tay về đúng chỗ, thu lại những bàn tay vung quá mức và làm đúng việc cần làm”. Thông điệp thân thiện với doanh nghiệp thời điểm đó đã góp phần giúp Chiết Giang cải thiện niềm tin trong khu vực tư nhân.
“Ông Lý có rất nhiều kinh nghiệm trong quản lý những địa phương có vai trò lớn trong nền kinh tế quốc gia”, Qiao Yide, phó chủ tịch Quỹ Nghiên cứu Phát triển Thượng Hải, nhận định. “Ở cương vị mới, ông ấy sẽ nhận nhiệm vụ đầy thử thách là đưa nền kinh tế Trung Quốc trở lại đúng hướng. Cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng ông sẽ tiếp sức cho tăng trưởng kinh tế bằng chủ trương mở cửa, đặc biệt về những chính sách ủng hộ phát triển doanh nghiệp tư nhân”.
Thanh Danh (Theo SCMP, Guaridan)
Để lại một phản hồi