Cảnh những thiếu niên ngái ngủ lê bước đến trường lúc tờ mờ sáng đã trở nên quen thuộc trong những ngày qua ở Kupang, thủ phủ tỉnh Đông Nusa Tenggara, Indonesia. Đó là các học sinh cuối cấp tại 10 trường trung học phổ thông thực hiện chương trình thí điểm đến trường lúc 5h30.
Chương trình được ông Viktor Laiskodat, thống đốc Kupang, công bố hồi tháng trước, với mục tiêu tăng cường kỷ luật cho học sinh. Nhưng theo các bậc phụ huynh, các em luôn kiệt sức khi về nhà. Các ngôi trường khác ở Indonesia thường bắt đầu học từ 7-8h.
“Điều này khó khăn vô cùng, các cháu phải rời nhà khi trời còn tối mịt. Tôi không chấp nhận nổi. Chúng không được đảm bảo an toàn khi ra ngoài lúc trời tối và vắng vẻ như vậy”, Rambu Ata, phụ huynh của Eureka, nữ sinh 16 tuổi, bày tỏ bất bình.
Quy định mới khiến Eureka phải thức dậy từ 4h để chuẩn bị và đi xe máy đến trường. “Lớp học thường tan lúc 15h30. Nhưng mỗi khi về nhà, con bé đều kiệt sức và ngủ thiếp đi ngay lập tức”, bà Ata nói.
Cơ quan thanh tra Indonesia đã đề nghị chính quyền trung ương can thiệp, xem xét lại chương trình thí điểm này. Các nghị sĩ địa phương cũng yêu cầu giới chức hủy bỏ cái mà họ gọi là “chính sách vô lý” với học sinh.
“Nếu ở cấp trung học cơ sở thì không được, bởi các em chưa sẵn sàng. Nhưng ở cấp trung học phổ thông, học sinh ngủ từ 22h, dậy lúc 4h. Ngủ 6 tiếng là đủ, sau đó tắm rửa 30 phút, đến trường trong 30 phút vì thành phố này khá nhỏ”, Thống đốc Laiskodat lập luận khi công bố chương trình hồi tháng 2.
Chính quyền Kupang vẫn duy trì thử nghiệm, bất chấp những lời chỉ trích. Chương trình thí điểm thậm chí còn được áp dụng cho các cơ quan giáo dục địa phương, nơi viên chức cũng được yêu cầu bắt đầu ngày làm việc lúc 5h30.
Marsel Robit, chuyên gia giáo dục từ Đại học Nusa Cendana, Kupang, Indonesia, phản bác ý tưởng này, cho rằng nó “không có mối liên hệ nào với nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục”. Ông cảnh báo tình trạng thiếu ngủ có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe học sinh về lâu dài, gây thay đổi hành vi.
“Các em sẽ chỉ ngủ được vài giờ và đây là rủi ro sức khỏe nghiêm trọng. Điều này cũng khiến tinh thần học sinh trở nên căng thẳng, buộc chúng phải giải tỏa bằng hành động”, chuyên gia Robit nêu lo ngại.
Đức Trung (Theo AFP, VOI)
Để lại một phản hồi