“Chúng tôi từng coi Phần Lan là nước anh em với mối quan hệ gần gũi về tinh thần và quan hệ kinh tế cùng có lợi. Nhưng bây giờ chúng tôi sẽ coi đó là quốc gia không thân thiện”, Nikolai, cư dân ở thành phố St. Peterburg của Nga, nói.
Trước khi Nga đưa lực lượng tới Ukraine vào cuối tháng 2 năm ngoái, người dân ở thành phố St. Peterburg rất thích đến thăm thủ đô Helsinki của Phần Lan, nằm cách đó khoảng 5 giờ lái xe.
“Tôi không nghĩ bất kỳ điều gì sẽ thay đổi với chúng tôi. Mọi chuyện sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn với người Phần Lan bởi giờ chúng tôi sẽ không tới đó nữa và họ sẽ chịu tổn thất từ việc này”, Yevgeny, cư dân St. Peterburg, chia sẻ.
Không ai trong số những người được phỏng vấn tỏ ra thông cảm với quyết định từ bỏ vị thế trung lập của Phần Lan.
“Đây chỉ là âm mưu của phương Tây. Chúng tôi từng luôn có quan hệ láng giềng tốt với Phần Lan”, cư dân Vasily nói, lặp lại lập trường của Điện Kremlin.
Alexei, một cư dân khác ở St. Peterburg, cho rằng Phần Lan nên “đoàn kết với Nga để chống NATO”.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 4/4 mô tả Phần Lan gia nhập NATO là hành động tấn công vào an ninh của Nga, điều này buộc Moskva phải có hành động đáp trả “cả về mặt chiến thuật và chiến lược”.
Nga và Phần Lan có biên giới chung dài hơn 1.300 km. Moskva trước đó tuyên bố sẽ tăng cường lực lượng đóng quân tại khu vực miền tây và tây bắc.
Phần Lan và Thụy Điển hồi tháng 5/2022 nộp đơn xin gia nhập NATO, kết thúc hàng thập kỷ duy trì chính sách không liên kết về quân sự. Phần Lan nhận được ủng hộ từ 30 nước thành viên liên minh và chính thức trở thành thành viên thứ 31 của NATO từ ngày 4/4. Trong khi đó, Thụy Điển vẫn vấp cản trở từ Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thanh Tâm (Theo Reuters)
Để lại một phản hồi