Quảng Ninh thu hút dòng vốn FDI chất lượng

Thêm nhiều dự án FDI

Thông tin từ Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh, sau 3 tháng đầu năm 2023, tổng vốn FDI vào các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế trên địa bàn tỉnh đạt gần 494 triệu USD, bằng 40,9% kế hoạch thu hút FDI cả năm 2023.

Mới đây nhất, ngày 29/3, có 3 dự án FDI đã được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng mức vốn hơn 80 triệu USD.

Trước đó, ngày 12/2, trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ của ngành công nghiệp ô tô.

Đó là dự án của nhà đầu tư đến từ Thụy Điển – Công ty TNHH Autoliv Việt Nam, đầu tư vào KCN Sông Khoai – có tổng mức đầu tư 154 triệu USD, sản xuất các sản phẩm an toàn cho ô tô và xe có động cơ khác để xuất khẩu; Dự án Sản xuất các sản phẩm phụ trợ ngành công nghiệp ô tô Boltun Việt Nam tại KCN Bắc Tiền Phong của nhà đầu tư Đài Loan, vốn đầu tư 165 triệu USD.

Lạc quan về dòng vốn mới

Chia sẻ về định hướng thu hút FDI của Quảng Ninh, ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng ban, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Năm 2023, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Dự kiến, trong quý II, sẽ có thêm 9 dự án FDI mới trong lĩnh vực này đầu tư vào các KCN, khu kinh tế của Quảng Ninh”.

Được biết, Quảng Ninh cũng đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, chủ động tìm kiếm và lựa chọn các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Theo thông tin từ Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) và đối tác Geely (Trung Quốc) đang nghiên cứu đầu tư dự án nhà máy lắp ráp ô tô tại KCN Bắc Tiền Phong; Tập đoàn Wish U Success (Đài Loan) đang nghiên cứu triển khai đầu tư dự án bán dẫn, vi mạch tại KCN Nam Tiền Phong và KCN Bắc Tiền Phong. Bên cạnh đó, Tập đoàn SKODA (Cộng hòa Séc) và Tập đoàn Thành Công đang thúc đẩy hợp tác thực hiện dự án phân phối và sản xuất, lắp ráp xe ô tô tại KCN Việt Hưng.

Ngoài ra, Tập đoàn Compal (Đài Loan) cũng đang tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp máy tính, thiết bị thông minh tại tỉnh; nhà đầu tư Hàn Quốc đang nghiên cứu, khảo sát đầu tư tổ hợp dự án thuộc lĩnh vực điện tử tại KCN Bắc Tiền Phong; Tập đoàn Frasers Property Holdings (Singapore) đang khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án nhà xưởng cao cấp tại KCN Đông Mai…

Từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh đón nhiều tổ chức kinh tế đến làm việc, tìm hiểu cơ hội đầu tư. Cụ thể, Đoàn công tác của Ban Xúc tiến đầu tư Khu kinh tế TP. Thường Châu (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) đã đến tìm hiểu môi trường đầu tư và cơ hội đầu tư tại KCN Texhong Hải Hà; Đoàn công tác của Đại sứ quán Singapore, của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCharm) và của doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng đã đến làm việc, tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh và các KCN, khu kinh tế trên địa bàn…

Ba dự án FDI vừa được Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào ngày 29/3

Dự án Sản xuất vành xe bằng hợp kim luyện nhẹ thông minh của Công ty TNHH Xiamen Sunrise Group tại KCN Bắc Tiền Phong, vốn đầu tư 55 triệu USD, chuyên sản xuất vành xe cho ô tô, công suất thiết kế 2,5 triệu sản phẩm/năm.

Dự án Sản xuất dây đai an toàn ô tô của Công ty TNHH Samsong Vina (Hàn Quốc) tại KCN Sông Khoai, vốn đầu tư gần 10,3 triệu USD, sản xuất dây đai an toàn dùng trong ngành công nghiệp ô tô và chốt khóa bằng thép của dây đai an toàn.

Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Lioncore Việt Nam 2 của Công ty TNHH Công nghiệp Lioncore Việt Nam tại KCN Đông Mai, vốn đầu tư 15 triệu USD, sản xuất sản phẩm từ plastic, gồm 2 dòng sản phẩm cao cấp (SPC và WPC), tổng công suất khoảng 8.800 tấn sản phẩm/năm, dự kiến đưa nhà máy vào hoạt động sau 20 tháng kể từ thời điểm được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*