“Bằng mọi cách, trật tự hiến pháp cần được khôi phục ở Niger. Các lực lượng Tây Phi đều đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ nếu các biện pháp ngoại giao thất bại”, Abdel-Fatau Musah, ủy viên phụ trách vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh của Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), nói trong cuộc họp với lãnh đạo quân đội các nước thành viên tại Ghana ngày 17/8.
Ông Musah cho biết hầu hết thành viên ECOWAS đều đồng ý tham gia lực lượng thường trực có thể can thiệp vào Niger, trừ những nước do chính quyền quân sự lãnh đạo và Cape Verde. Ông viện dẫn những đợt triển khai quân ở Gambia, Liberia và một số nơi khác để cho thấy sự sẵn sàng của khối.
“Nếu tình hình trở nên khó khăn, chúng tôi sẽ đến Niger với lực lượng thường trực cùng thiết bị và nguồn lực của mình để đảm bảo khôi phục trật tự hiến pháp. Chúng tôi cũng luôn hoan nghênh sự hỗ trợ của các đối tác dân chủ khác”, ông nói.
Ủy viên ECOWAS cáo buộc chính quyền quân sự Niger “chơi trò mèo vờn chuột” với khối bằng cách từ chối gặp các phái viên và tìm cách biện minh cho nỗ lực lật đổ chính quyền của Tổng thống Mohamed Bazoum.
Ông cũng chỉ trích gay gắt thông báo của chính quyền quân sự rằng họ có đủ cơ sở để đưa Tổng thống Bazoum, người hiện bị quản thúc tại tư dinh, ra xét xử vì tội phản quốc. Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và ECOWAS đều bày tỏ lo ngại về điều kiện quản thúc ông Bazoum.
“Điều trớ trêu là người đang làm con tin lại bị buộc tội phản quốc”, ông Musah nói.
Chính quyền quân sự Niger ngày 15/8 nói sẵn sàng đàm phán giải quyết cuộc khủng hoảng khu vực hậu đảo chính, song nhấn mạnh “Niger cần độc lập”.
Lực lượng cận vệ tổng thống Niger dưới quyền chỉ huy của tướng Abdourahamane Tiani ngày 26/7 tiến hành đảo chính, lật đổ ông Bazoum. Tướng Tiani sau đó trở thành người đứng đầu chính quyền quân sự, bất chấp sự phản đối của ECOWAS và các nước phương Tây.
ECOWAS ngày 10/8 quyết định kích hoạt lực lượng thường trực của khối, có thể triển khai đến Niger để khôi phục trật tự hiến pháp tại quốc gia này.
Khối trước đó áp đặt nhiều biện pháp cấm vận kinh tế nhằm vào Niger, bao gồm cắt đứt giao dịch tài chính và nguồn cung cấp điện, đồng thời đóng biên giới và ngăn cản quá trình nhập khẩu nhiều mặt hàng thiết yếu cho một trong những nước nghèo nhất thế giới.
Thanh Tâm (Theo Reuters)
Để lại một phản hồi