Khối Tây Phi kích hoạt lực lượng ứng phó đảo chính Niger

Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) ngày 10/8 họp tại thủ đô Abuja của Nigeria để thảo luận về biện pháp phản ứng với đảo chính ở Niger. Thông báo phát đi sau đó bao gồm nghị quyết đề nghị bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên “kích hoạt toàn bộ thành phần trong Lực lượng thường trực ECOWAS ngay lập tức”.

ECOWAS còn ra nghị quyết về “triển khai Lực lượng thường trực ECOWAS để khôi phục trật tự hiến pháp ở Cộng hòa Niger” và khôi phục trật tự này “bằng các biện pháp hòa bình”. Khối không nêu cụ thể việc “kích hoạt” và “triển khai” sẽ bao gồm những động thái gì.

Giới chuyên gia an ninh cho rằng một lực lượng chung như vậy sẽ cần vài tuần hoặc lâu hơn để tập hợp, vẫn tạo điều kiện để các bên thương lượng.

“Không phương án nào bị loại trừ, bao gồm cả lựa chọn cuối cùng là sử dụng vũ lực”, Tổng thống Nigeria Bola Tinubu, quốc gia chủ tịch ECOWAS, nói, bày tỏ hy vọng mang đến giải pháp hòa bình thông qua một nỗ lực chung.

Khối cũng cam kết thực hiện các lệnh trừng phạt, cấm đi lại và đóng băng tài sản với những cá nhân cản trở quá trình trao trả quyền lực cho tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum của Niger.

Tổng thống Nigeria Bola Tinubu tuyên thệ nhậm chức tại Abuja ngày 29/5. Ảnh: AFP

Tổng thống Nigeria Bola Tinubu tuyên thệ nhậm chức tại Abuja ngày 29/5. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 10/8 lên tiếng ủng hộ các nỗ lực của ECOWAS trong vấn đề Niger. Ông bày tỏ quan ngại trước thông tin tổng thống bị lật đổ Bazoum cùng gia đình sống trong điều kiện không có điện, nước máy và sắp cạn thực phẩm. Mỹ cho rằng ngoại giao là cách tốt nhất để giải quyết khủng hoảng và can thiệp quân sự nên chỉ là phương án cuối cùng.

Pháp ngày 10/8 cũng tuyên bố “hoàn toàn ủng hộ các quyết định” tại cuộc họp của ECOWAS.

ECOWAS đã có kế hoạch lập lực lượng thường trực với quy mô hàng nghìn binh sĩ suốt nhiều năm, nhưng chưa triển khai do chưa đủ cam kết về tài trợ và binh sĩ, theo Ikemesit Effiong, nhà nghiên cứu tại SBM Intelligence, Nigeria.

Chủ tịch Ủy ban ECOWAS Omar Alieu Touray nói với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hồi tháng 7 rằng họ đang cân nhắc hai lựa chọn gồm một lữ đoàn 5.000 người với chi phí thường niên 2,3 tỷ USD hoặc triển khai binh sĩ theo yêu cầu với chi phí thường niên 360 triệu USD.

Các lãnh đạo quân sự Niger dự cuộc mít tinh ở Niamey hôm 6/8. Ảnh: Reuters

Các lãnh đạo quân sự Niger dự cuộc mít tinh ở Niamey hôm 6/8. Ảnh: Reuters

Lực lượng cận vệ tổng thống Niger ngày 26/7 đã bắt và quản thúc ông Bazoum tại dinh thự. Chỉ huy lực lượng cận vệ Abdourahamane Tiani được chọn làm tân lãnh đạo chính quyền quân sự thay ông Bazoum. Niger cũng đã thành lập chính phủ mới để thúc đẩy chương trình nghị sự

ECOWAS ngày 30/7 ra tối hậu thư với chính quyền quân sự Niger, yêu cầu trao trả quyền lực cho ông Bazoum trước đêm 6/8, nếu không sẽ tiến hành can thiệp quân sự. Hạn chót đã trôi qua nhưng khối chưa có động thái nào. Chính quyền quân sự Niger trước đó tuyên bố sẽ đáp trả lập tức nếu bị can thiệp.

ECOWAS gồm 15 nước châu Phi là Cape Verde, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Mali, Senegal, Sierra Leone, Benin, Burkina Faso, Ghana, Bờ biển Ngà, Niger, Nigeria và Togo.

Mali và Burkina Faso, hiện cũng do chính quyền quân sự lãnh đạo, đã bị đình chỉ tư cách thành viên sau các cuộc đảo chính. Hai nước này tuyên bố bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào Niger cũng đồng nghĩa tuyên chiến với họ.

Vị trí Niger và các nước láng giềng. Đồ họa: AFP

Vị trí Niger và các nước láng giềng. Đồ họa: AFP

Như Tâm (Theo Reuters, AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*