Hai quan chức Ấn Độ giấu tên, trong đó có một nhà ngoại giao làm việc tại Trung Quốc, cho biết Thủ tướng Lý Cường sẽ thay mặt Chủ tịch Tập Cận Bình dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi ngày 9-10/9, Reuters hôm nay đưa tin.
Một quan chức chính phủ cấp cao của Ấn Độ cũng nói rằng “chúng tôi biết Thủ tướng Trung Quốc sẽ đến” dự hội nghị thay ông Tập.
Tại Trung Quốc, hai nhà ngoại giao nước ngoài và một quan chức chính phủ từ một quốc gia G20 khác cũng nói rằng ông Tập có thể sẽ không tham dự hội nghị. Các nguồn tin cho hay đã được quan chức Trung Quốc thông báo về việc này, nhưng không rõ lý do ông Tập vắng mặt tại hội nghị.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Bộ Ngoại giao Ấn Độ hiện chưa phản hồi thông tin này.
Hãng Kyodo News của Nhật Bản đưa tin Thủ tướng Lý Cường cũng có thể sẽ dự hội nghị cấp cao ASEAN và các đối tác tại Jakarta, Indonesia ngày 5-7/9.
Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ vốn được coi là nơi ông Tập có thể gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden, khi hai siêu cường tìm cách ổn định mối quan hệ đang bị rạn nứt do loạt căng thẳng thương mại và địa chính trị. Lần gần nhất lãnh đạo Mỹ – Trung gặp nhau là tại sự kiện bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia tháng 11 năm ngoái.
Tổng thống Nga Vladimir Putin 28/8 xác nhận với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi rằng ông sẽ không tới New Delhi dự hội nghị thượng đỉnh G20, thay vào đó là Ngoại trưởng Sergey Lavrov.
Ông Tập rất ít công du nước ngoài kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 trong năm nay. Tuy nhiên, ông đã dự hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS, gồm các nền kinh tế mới nổi là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, tại Johannesburg, Nam Phi tuần trước.
Ông Tập và ông Modi đã có cuộc trò chuyện hiếm hoi bên lề hội nghị BRICS ở Johannesburg và thảo luận về giảm căng thẳng trong quan hệ song phương, vốn đã trở nên nghiêm trọng sau các cuộc đụng độ dọc biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya năm 2020 khiến 24 binh sĩ thiệt mạng.
G20 là nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, chiếm hơn 90% tổng quy mô kinh tế toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh G20 là nơi các lãnh đạo thảo luận những vấn đề kinh tế quan trọng, thúc đẩy các chính sách liên quan đến việc ổn định tình hình tài chính quốc tế cũng như định hướng phát triển cho nền kinh tế thế giới. Ấn Độ là nước chủ tịch G20 năm nay.
Một số cuộc họp cấp bộ trưởng G20 ở Ấn Độ trước hội nghị thượng đỉnh đã gây tranh cãi khi Nga và Trung Quốc cùng phản đối các tuyên bố chung, trong đó có nội dung lên án Moskva vì chiến sự Ukraine.
Huyền Lê (Theo Reuters)
Để lại một phản hồi