Đại sứ Mỹ thưởng thức cá sống ở Fukushima

Đại sứ Mỹ Rahm Emanuel, 63 tuổi, ngày 31/8 thưởng thức một đĩa đầy những lát cá bơn, cá ngừ và cá vược sống thái mỏng tại nhà hàng Takohachi khi tới thăm Fukushima, khu vực từng bị tàn phá nghiêm trọng trong thảm họa động đất, sóng thần năm 2011. Ông sau đó vào siêu thị mua thêm cá và hoa quả được đánh bắt, trồng ở Fukushima.

“Nước từ khu vực này an toàn hơn nước thải chưa qua xử lý mà bốn nhà máy hạt nhân ở Trung Quốc xả ra biển”, đại sứ Mỹ nói. “Nhật Bản trong thập kỷ qua đã làm những điều đúng đắn dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế trong quá trình xử lý nước thải”.

Tuyên bố được Đại sứ Emanuel đưa ra sau khi Nhật Bản ngày 24/8 bắt đầu xả thải đợt đầu tiên, bơm 7.800 tấn nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển trong 17 ngày. Tokyo lên kế hoạch thực hiện 4 đợt trong năm tài khóa 2023 (từ nay đến tháng 3/2024), dự kiến xả 31.200 tấn nước thải.

Đây là số nước thải mà Nhật đã sử dụng để làm mát lò phản ứng bị tan chảy trong thảm họa động đất, sóng thần tháng 3/2011. Chúng được Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) thu gom vào khoảng 1.000 bể thép xây trong khuôn viên nhà máy.

Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel ăn trưa tại nhà hàng Takohachi ở Fukushima ngày 31/8. Ảnh: AFP

Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel ăn trưa tại nhà hàng Takohachi ở Fukushima ngày 31/8. Ảnh: AFP

TEPCO cho biết 1,34 triệu tấn nước thải từ Fukushima đã được lọc tất cả chất phóng xạ, ngoại trừ tritium. Tuy nhiên, TEPCO khẳng định nồng độ tritium nằm trong giới hạn an toàn và thấp hơn mức mà các nhà máy điện hạt nhân bình thường thải ra, kể cả ở Trung Quốc.

Dù vậy, Trung Quốc vẫn phản ứng dữ dội với quyết định xả thải của Nhật. Bắc Kinh ngày 24/8 áp lệnh cấm nhập khẩu tất cả hải sản từ nước láng giềng, cáo buộc Tokyo coi đại dương như “cống thải”.

Động thái công khai ủng hộ Nhật Bản của Đại sứ Mỹ diễn ra một ngày sau khi văn phòng Thủ tướng Fumio Kishida công bố đoạn video ghi lại cảnh ông ăn cá và các sản phẩm khác từ Fukushima.

Đại sứ Emanuel cáo buộc Trung Quốc có hành vi “ép buộc kinh tế”, đưa ra những “thông tin sai lệch” chống lại Nhật Bản nhằm “mục đích chính trị”. Bắc Kinh chưa bình luận về tuyên bố này của ông Emanuel.

Đại sứ quán Australia ngày 30/8 cũng có động thái ủng hộ Nhật Bản, khi đăng video cho thấy các nhà ngoại giao của họ mua sản phẩm từ vùng Fukushima tại cửa hàng ở Tokyo.

Thanh Tâm (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*