Cao su Đà Nẵng kinh doanh thế nào giữa ‘bão’ án phạt thuế?

TIN MỚI

    Cao su Đà Nẵng kinh doanh thế nào giữa 'bão' án phạt thuế? - Ảnh 1.

    Cao su Đà Nẵng liên tiếp nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan thuế và hải quan, Nguồn: DRC

    Trong những ngày gần đây, Cao su Đà Nẵng (HoSE: DRC) liên tục nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế từ Cục Thuế Thành phố Đà Nẵng và Cục Hải quan khu công nghiệp Hòa Khánh – Liên Chiểu.

    Ngày 18/8, công ty nhận quyết định xử phạt hành chính khi có hành vi khai sai dẫn đến tăng số thuế giá trị gia tăng (GTGT) đề nghị hoàn nhưng chưa được hoàn thuế của các kỳ hoàn thuế tháng 11/2022 và tháng 12/2022.

    Ngày 21/8, Cục Hải quan khu công nghiệp Hòa Khánh – Liên Chiểu công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Cao su Đà Nẵng do khai sai tên hàng, mã số hàng hóa, thuế suất hàng hóa nhập khẩu dẫn đến thiếu số thuế phải nộp; khai sai tên hàng, mã số so với thực tế hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tường miễn thuế.

    Đến ngày 12/9, doanh nghiệp nhận tiếp quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi khai sai dẫn đến tăng số thuế giá trị gia tăng (GTCT) được hoàn của kỳ hoàn thuế tháng 6/2021, kỳ tháng 12/2021, kỳ tháng 1/2022, kỳ từ tháng 2/2022 đến tháng 4/2022. Công ty đã nộp số tiền thuế GTGT được hoàn 117,7 triệu đồng và tiền chậm nộp 17 triệu đồng.

    Các quyết định về thuế ghi rõ tình tiết tăng nặng là vi phạm nhiều lần. Cao su Đà Nẵng bị phạt tổng cộng hơn 107 triệu đồng cho các vi phạm về thuế và thông quan trên.

    Cao su Đà Nẵng là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực săm lốp, quy mô tổng tài sản hơn 3.124 tỷ đồng và đã niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM từ 2006.

    Hoạt động kinh doanh của công ty ổn định và tăng trưởng đều từ 2018 đến 2022. Doanh thu và lợi nhuận ròng đạt tốc độ tăng trưởng kép (CARG) lần lượt 6,6% và 17%.

    Cao su Đà Nẵng kinh doanh thế nào giữa 'bão' án phạt thuế? - Ảnh 2.

    Tuy nhiên, nửa đầu năm nay, doanh nghiệp báo cáo doanh thu giảm 6,4% xuống 2.274 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 16,6% xuống 11,4% khiến lợi nhuận sau thuế giảm phân nửa xuống 76,3 tỷ đồng. Doanh nghiệp lý giải, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, hoạt động tiêu thụ sản phẩm bị giảm tại thị trường nội địa. Đồng thời, thị trường xuất khẩu khó khăn, cạnh tranh khốc liệt nên hiệu quả sản xuất kinh doanh đi xuống.

    Theo SSI Research, DRC gặp thuận lợi khi giá nguyên liệu đầu vào giảm trong nửa đầu năm (giá cao su tự nhiên, cao su tổng hợp và hóa chất đồng thời giảm). Tuy nhiên, công ty có thể phải giảm giá bán cho khách hàng, khoảng 10% so với cùng kỳ đối với lốp radial và 3% – 8% với lốp bias, để duy trì sản lượng tiêu thụ khi nhu cầu yếu làm giảm biên lợi nhuận. Lợi nhuận được kỳ vọng bắt đầu phục hồi từ nửa cuối năm 2023 khi thời gian này thường là mùa cao điểm và nhu cầu dần phục hồi ở cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

    Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu 5.060 tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện 2022; lãi trước thuế 330 tỷ đồng, giảm 15%. Đơn vị mới thực hiện được 45% chỉ tiêu doanh thu và 28% chỉ tiêu lợi nhuận.

    Hoạt động kinh doanh của công ty đang gặp phải cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa. Ban lãnh đạo DRC cho biết có 2 đối tượng cạnh tranh gay gắt với nhau tại thị trường săm lốp Việt Nam gồm doanh nghiệp nội như DRC, CSM, SRC… và công ty có vốn FDI như Sailun, Kumho, Jinyu… Các doanh nghiệp FDI có lợi thế về quy mô sản xuất và thương hiệu lâu đời. Mặt khác, các chính sách thương mại toàn cầu trong hiệp định thương mại khiến cho Việt Nam tràn ngập các sản phẩm lốp ngoại với giá cả hấp dẫn, đặc biệt là Trung Quốc.

    Năm 2023 càng khó khăn hơn do kinh tế đi xuống, thu nhập người dân giảm. Trong khi đó, thị trường đối mặt với khủng hoảng thừa khi nguồn cung từ các doanh nghiệp tăng mạnh, Trung Quốc đã chấm dứt chính sách Zero Covid. Đồng thời, các nhà máy của Trung Quốc chuyển dịch sang Việt Nam, Thái Lan và các nước Đông Nam Á thì doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt với lốp Trung Quốc ngay trên sân nhà và thị trường xuất khẩu.

    Do vậy, Cao su Đà Nẵng xác định phải đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thị phần châu Âu và Mỹ với mục tiêu tăng trưởng 25% mỗi năm nhờ vào sản phẩm lốp radial đạt tiêu chuẩn smartway và dot.

    Trong 2 năm qua, Cao su Đà Nẵng đã rất tích cực trong mở rộng thị trường xuất khẩu. Tỷ trọng doanh thu xuất khẩu năm 2022 đạt 59,5%, tăng so với mức 53% năm 2021 và 45,7% năm 2020. Nửa đầu năm nay, doanh thu nội địa giảm nhưng xuất khẩu vẫn tăng trưởng và đóng góp đến 69,3% tổng doanh thu.

    Châu Mỹ là thị trường chính chiếm đến 74% doanh thu xuất khẩu năm 2022 của DRC, chủ yếu là Brazil. SSI Research cho biết doanh thu xuất khẩu sang Brazil chiếm 57% doanh thu xuất khẩu nửa đầu năm. Tuy nhiên, từ tháng 4, quốc gia này đã tăng thuế nhập khẩu từ 0% lên 16% đối với lốp xe tải nhập khẩu. Theo đó, doanh thu xuất khẩu của DRC vào Brazil quý II giảm 20% so với quý I.

    Cao su Đà Nẵng đã phát triển được thị trường Mỹ từ 2019. Ban lãnh đạo cho biết đang cố gắng đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ vào thị trường này, đồng thời đưa ra những dòng sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu khách hàng. Song, tất cả phải phụ thuộc vào điều kiện thị trường.

    Doanh nghiệp có nhà máy lốp radial công suất 600.000 lốp/năm và đang đầu tư mở rộng nhà máy lốp xe tải radial nâng công suất lên 1 triệu lốp/năm. Dự án mở rộng có tổng đầu tư 916 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ quý I/2022 đến quý II/2024. Ban lãnh đạo cho biết đang khẩn trương triển khai dự án để kịp tiến độ đề ra, dự kiến cuối 2023 đưa vào lắp đặt một số hạng mục, phần còn lại hoàn tất và đưa vào sử dụng vào giữ năm 2024. Sau khi hoàn thành dự án, công ty sẽ có các dự án mới, có thể là nâng công suất lên 1 triệu lốp.

    Cao su Đà Nẵng (DRC): Áp lực tăng chi phí khiến lợi nhuận quý 3 giảm 45% so với cùng kỳ, 9 tháng hoàn thành 85% kế hoạch cả năm

    Hãy bình luận đầu tiên

    Để lại một phản hồi

    Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


    *