Các công nhân nhà máy đóng tàu Hỗ Đông – Trung Hoa ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 10/9 đăng trên mạng xã hội Weibo bức ảnh lễ ăn mừng kết thúc đổ bê tông sàn ụ nổi mới trên đảo Trường Hưng.
Các công nhân cầm biểu ngữ chào mừng đứng trên sàn ụ nổi, phía sau là hai cần cẩu cỡ lớn và các tòa nhà đang xây dở.
“Tòa nhà xây dở và các công trình khác trên ụ nổi mới ở nhà máy Hỗ Đông – Trung Hoa cho thấy họ chuẩn bị đóng chiến hạm khổng lồ mới”, Lã Lễ Thi, cựu giảng viên học viện đào tạo lực lượng phòng vệ Đài Loan, ngày 12/9 nhận định.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ hồi tháng 4 công bố ảnh vệ tinh cho thấy ụ nổi mới tại nhà máy Hỗ Đông – Trung Hoa dài khoảng 650 m và rộng 94 m, lớn hơn một chút so với ụ lớn nhất ở nhà máy đóng tàu Giang Nam gần đó.
Ngoài ra, nhà máy Hỗ Đông – Trung Hoa còn có một âu tàu kích thước khoảng 760×280 m, bằng 3/4 kích thước âu tàu lớn nhất tại nhà máy Giang Nam, nơi chế tạo tàu sân bay Phúc Kiến.
“Dựa trên kích thước của ụ nổi và âu tàu gần đó, rất có thể đây là ụ đóng tàu sân bay trực thăng Type-076 trang bị máy phóng điện từ”, chuyên gia Lã Lễ Thi cho biết.
Nhà máy đóng tàu Hỗ Đông – Trung Hoa chuyên chế tạo tàu sân bay trực thăng, hay còn gọi là tàu đổ bộ tấn công, cho hải quân Trung Quốc. Tổng cộng 10 tàu vận tải đổ bộ Type-071 và 4 tàu sân bay trực thăng Type-075 đã được chế tạo tại đây.
Type-075 có lượng giãn nước gần 40.000 tấn, nhỏ hơn một chút so với tàu sân bay trực thăng lớp Tarawa và Wasp của hải quân Mỹ. Type-075 được đánh giá là bản nâng cấp đáng kể so với chiến hạm lớp Type-071 với lượng giãn nước 25.000 tấn.
Tàu sân bay trực thăng Type-076 có lượng giãn nước tương đương Type-075, dự kiến được trang bị máy phóng điện từ, loại công nghệ có trên tàu sân bay Phúc Kiến. Theo Lý Kiệt, chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh, hệ thống máy phóng điện từ trên Type-076 sẽ chủ yếu phục vụ máy bay không người lái (UAV) vũ trang.
Type-076 được đánh giá là giải pháp cho việc Trung Quốc chưa sở hữu tiêm kích có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) như F-35B của Mỹ. Các tiêm kích này có thể hoạt động trên tàu sân bay trực thăng.
Hải quân Trung Quốc đang sở hữu nhiều UAV, trong đó có mẫu UAV tàng hình Gongji-11 Lợi Kiếm với tầm hoạt động ước tính khoảng 4.000 km. Với hệ thống máy phóng điện từ, tàu sân bay trực thăng Type-076 có thể vận hành UAV Gongji-11 mang theo gần hai tấn vũ khí.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)
Để lại một phản hồi