Hình ảnh được Trung Quốc công bố trong lễ hạ thủy tàu sân bay Phúc Kiến hôm 17/6 gây tò mò với những mái che lớn trên mặt boong ở phần mũi tàu và những tấm che chắn trên tháp chỉ huy.
Sau lễ hạ thủy, tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc tiếp tục neo đậu ở cảng Thượng Hải để phục vụ quá trình hoàn thiện. Tuy nhiên, hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội Weibo hồi đầu tuần cho thấy hai bệ lắp radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) Type-346 trên tháp chỉ huy tàu Phúc Kiến vẫn trống trơn.
Lu Li-shih, cựu giảng viên Học viện Hàng hải quân sự Đài Loan, cho rằng hệ thống radar AESA đáng lẽ phải được lắp đặt và hoàn thiện xong trong quá trình này của tàu Phúc Kiến.
“Các bệ lắp radar AESA được lắp tấm che tạm, bởi sẽ không đẹp mắt chút nào nếu để những lỗ trống lớn như vậy trên tháp chỉ huy tàu trong lễ hạ thủy”, ông Lu nói. Theo chuyên gia này, tàu sân bay Phúc Kiến mới hoàn thiện phần kết cấu chính và hệ thống động lực trong lễ hạ thủy.
Theo Lu, những lần trì hoãn hạ thủy trước đây cho thấy dự án tàu sân bay Phúc Kiến bị chậm tiến độ trong các đợt thử nghiệm dưới nước.
Trung Quốc ban đầu dự kiến hạ thủy tàu Phúc Kiến ngày 23/4, nhân kỷ niệm 73 năm thành lập lực lượng hải quân, nhưng phải lùi tới ngày 3/6 do Thượng Hải áp lệnh phong tỏa để kiểm soát Covid-19. Tuy nhiên, lễ hạ thủy cũng không thể diễn ra ngày 3/6 do vấn đề kỹ thuật và bị lùi lại hơn một tháng.
Trong những bức ảnh mới công bố chụp tàu Phúc Kiến neo tại cảng ở Thượng Hải ngày 18/7, một số cửa sổ trên tháp chỉ huy được bịt kín, trong khi pháo phòng thủ cực gần Type 1130 từng xuất hiện ờ sườn tàu trong lễ hạ thủy đã bị tháo dỡ. Nhiều dây cáp cũng được nối từ cầu cảng lên tàu.
“Tàu sân bay hiện không có nguồn điện riêng do động cơ chưa hoạt động, nên những dây cáp đó giúp cấp điện từ cầu cảng cho các thiết bị trên tàu”, chuyên gia Lý Kiệt thuộc Học viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc ở Bắc Kinh, giải thích.
Ông Lý cũng cho rằng Trung Quốc lắp đặt hệ thống vũ khí và những trang thiết bị quan trọng sau khi tàu sân bay hạ thủy, bởi cấu trúc tàu sẽ thay đổi do áp lực nước. Quá trình lắp đặt thiết bị có thể kéo dài tới 6 tháng trước khi bước sang giai đoạn thử nghiệm động cơ tại cảng.
Chu Thần Minh, nhà nghiên cứu khoa học quân sự tại Bắc Kinh, thì nhận định Trung Quốc sẽ mất thêm nhiều năm trước khi biên chế tàu sân bay Phúc Kiến cho hải quân.
“Thử nghiệm tàu sân bay với hệ thống máy phóng điện từ (EMALS) phức tạp và có nhiều vấn đề hơn nhiều so với máy phóng hơi nước truyền thống”, ông nói và thừa nhận dự án tàu Phúc Kiến sẽ đối mặt với nhiều khó khăn như chương trình tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Mỹ.
Phúc Kiến là tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc, được đánh giá là trọng tâm chính trong nỗ lực xây dựng lực lượng hải quân “biển xanh” có thể tác chiến xa bờ dài ngày của Bắc Kinh. Trung Quốc bắt đầu chế tạo tàu sân bay Phúc Kiến từ vài năm trước, song chưa rõ thời điểm chính xác con tàu được khởi đóng.
Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, được hoán cải từ chiến hạm cũ mua từ Ukraine. Sau khi biên chế tàu Liêu Ninh năm 2012, quân đội Trung Quốc dùng kiến thức và kinh nghiệm thu được để đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên là Sơn Đông, được biên chế vào tháng 12/2019.
Đến nay mới chỉ có tàu sân bay Liêu Ninh đạt khả năng tác chiến sơ bộ, mức sẵn sàng chiến đấu cơ bản nhất với khí tài quân sự. Hải quân Trung Quốc không cho biết lý do tàu Sơn Đông chưa đạt khả năng này, dù đã đưa vào biên chế gần hai năm rưỡi.
Vũ Anh (Theo SCMP)
Để lại một phản hồi