VOS:
CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco – mã VOS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2023 với doanh thu thuần đạt 910 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ 2022, chủ yếu nhờ có thêm khoản doanh thu từ hoạt động thương mại (410 tỷ).
Theo giải trình từ phía công ty, Vosco thường xuyên theo dõi thị trường nên ký được hợp đồng với mức cước tương đối cao cho các tàu dầu. Với đặc thù quay vòng nhanh nên doanh thu của tàu dầu thường khá lớn, 3 tàu dầu hoạt động hiệu quả trong quý 4/2023.
Trong quý 4, giá vốn tăng mạnh khiến biên lãi gộp bị thu hẹp từ 14,5% cùng kỳ xuống còn 5,7%. Lợi nhuận gộp đạt 51,6 tỷ đồng, giảm 42,5% so với quý 4/2022. Mặt khác, Vosco lại có khoản lợi nhuận khác 117 tỷ đồng đến từ tái cơ cấu và bán tàu Neptune Star. Kết quả, Vosco lãi ròng gần 105 tỷ đồng, cao gấp 4,8 lần cùng kỳ 2022 và là mức cao nhất trong vòng 5 quý trở lại đây.
Luỹ kế cả năm 2023, Vosco ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.187 tỷ đồng, tăng gần 32% so với năm 2022 nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 68% xuống còn 155 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây của Vosco. Dù vậy, doanh nghiệp vận tải biển này vẫn hoàn thành kế hoạch đề ra.
Vosco cho biết thị trường tàu hàng khô và tàu container năm qua giảm sút rất nhiều khiến hiệu quả kinh doanh đi xuống. Thị trường container giảm mạnh dẫn đến việc nhiều tàu trước đây được cho thuê T/C (thuê tàu định hạn) ra nước ngoài đã quay trở lại khai thác nội địa do không tiếp tục cho thuê được, làm cung tàu vận chuyển nội địa tăng. Trong khi nhu cầu vận chuyển yếu khiến các hãng phải cạnh tranh gay gắt, kéo giá cước vận chuyển giảm sâu.
Thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Vosco đã tăng nhẹ so với đầu năm lên 2.715 tỷ đồng. Tài sản cố định giảm 22% xuống còn 946 tỷ đồng do hoạt động thanh lý tàu trong năm. Chiều ngược lại, tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng tăng gấp đôi so với đầu năm lên mức 825 tỷ đồng. Doanh nghiệp không có nợ vay tài chính tại ngày cuối năm.
Để lại một phản hồi