Nữ đại gia bí ẩn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam
Trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, cập nhật đến hết tháng 2/2024, bà Vũ Thị Hiền – vợ của ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đang đứng ở top 2 nữ doanh nhân giàu nhất thị trường chứng khoán và top 7 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản ước tính 12.240 tỷ đồng.
Số tài sản này đến từ việc bà Hiền sở hữu hơn 400 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 6,88 % vốn điều lệ của công ty (tính đến 6/11/2023). Với khối tài sản trên, bà Vũ Thị Hiền còn “giàu” hơn nhiều doanh nhân nổi tiếng khác như ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NVL), ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FPT (FPT), Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Tập đoàn Thế Giới Di Động…
Cập nhật đến tháng 12/2023, số cổ phiếu bà Hiền và những thành viên liên quan gồm ông Trần Đình Long và con trai Trần Vũ Minh nắm giữ chiếm khoảng 35% cổ phần của Hòa Phát.
Dù thường xuyên góp mặt trong top 10 của danh sách những người giàu nhất Việt Nam, đồng thời cũng là cổ đông lớn thứ hai của Tập đoàn Hòa Phát, chỉ sau ông Trần Đình Long nhưng thông tin liên quan đến bà Hiền khá ít ỏi. Nữ doanh nhân Vũ Thị Hiền được coi là nữ đại gia bí ẩn nhất thị trường chứng khoán.
Bởi bà Hiền chưa bao giờ xuất hiện trước truyền thông. Bà cũng không tham gia bất kỳ hoạt động lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nào tại Hòa Phát mà lui về phía sau làm hậu phương vững chắc cho chồng, con.
Trong một bài phỏng vấn với báo chí cách đây vài năm, khi được đặt câu hỏi liên quan đến vợ và chuyện kinh doanh của công ty, ông Long thẳng thắn cho biết: “Các bà vợ thì tuyệt đối không được làm ở đây, nhất là vợ của các lãnh đạo công ty. Ngay cả vợ tôi cũng vậy, tuyệt đối không giao vị trí, hay công việc gì ở Hòa Phát cả.
Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Hòa Phát không trọng dụng phụ nữ. Là một công ty thuộc lĩnh vực công nghiệp nặng, nhưng tỷ lệ nữ giới ở Hòa Phát làm lãnh đạo khoảng trên 30%, và nhiều người ở vị trí lãnh đạo cấp cao. Tôi nghĩ mình nên được tặng danh hiệu vì sự tiến bộ của phụ nữ (cười to). Nói đùa vậy thôi chứ tôi thấy cán bộ nữ ở đây có nhiều tố chất nổi trội như chăm chỉ, cẩn thận và thú thật là họ cũng rất giỏi”.
Mặc dù vợ ông Long – một cổ đông lớn của công ty không hề tham gia điều hành hoạt động nào tại doanh nghiệp có vốn điều lệ hàng trăm nghìn tỷ đồng nhưng trong bộ máy lãnh đạo hiện tại của Hòa Phát, có không ít những vị trí then chốt đang được điều hành, quán xuyến bởi những người phụ nữ “tay yếu chân mềm”.
Theo Báo cáo thường niên 2022, trong dàn lãnh đạo của Hòa Phát, một trong những”nữ tướng” không thể không kể đến là Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thị Thảo Nguyên. Bà Thảo Nguyên tham gia vào hoạt động công ty từ năm 1998. Đến năm 2010, nữ doanh nhân được bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát và tại nhiệm đến thời điểm hiện tại.
Hay như trường hợp Kế toán trưởng Phạm Thị Kim Oanh. Bà Phạm Thị Kim Oanh giữ vị trí Kế toán trưởng Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát kể từ năm 2016. Trong khi đó, bà Bùi Thị Hải Vân hiện đang nắm chức vụ Trưởng ban Kiểm soát.
Hòa Phát kinh doanh ra sao dưới sự lãnh đạo của ông Trần Đình Long và các nữ tướng?
Ra đời từ năm 1992, Tập đoàn Hòa Phát hoạt động theo 5 lĩnh vực: Gang thép – Sản phẩm thép – Nông nghiệp – Bất động sản – Điện máy gia dụng. Tập đoàn đang hoạt động và đóng góp ngân sách nhà nước tại 25 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Năm 2023, Hòa Phát đã sản xuất 6,7 triệu tấn thép thô. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 6,72 triệu tấn. Trong đó, Thép xây dựng, thép chất lượng cao đạt 3,78 triệu tấn. Thép cuộn cán nóng HRC ghi nhận gần 2,8 triệu tấn. Thị trường xuất khẩu thép Hòa Phát mở rộng tới 39 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Về sản phẩm ống thép, Hòa Phát đã cung cấp 685.000 tấn cho thị trường. Tôn mạ các loại đạt tương đương năm trước đó khi đạt 329.000 tấn. Hòa Phát hiện là một trong những doanh nghiệp lớn nhất và có lợi nhuận khủng nhất ngành thép.
Đối với mảng nông nghiệp, Tập đoàn tối ưu quy mô, hiệu quả đầu tư các Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trang trại chăn nuôi heo, bò, gà trên cả nước với mục tiêu duy trì vị thế, thị phần trong nhóm dẫn đầu về trứng gà sạch, heo thương phẩm cung cấp ra thị trường. Trong đó, Gia cầm Hòa Phát lần đầu vượt sản lượng 300 triệu trứng, ra mắt sản phẩm trứng gà vỏ hồng.
Các lĩnh vực kinh doanh khác của Hòa Phát cũng có kết quả tích cực khi công ty cung cấp sản phẩm vỏ container ra thị trường từ đầu tháng 8/2023. Cũng trong tháng 8, Hòa Phát đã đưa bến đầu tiên của cảng tổng hợp container tại Dung Quất – Quảng Ngãi đi vào hoạt động.
Lĩnh vực điện máy gia dụng mở rộng kênh bán, liên tục giới thiệu loạt sản phẩm mới như tủ đông cỡ lớn, máy giặt, cây nước hút bình, các dòng máy lọc nước thế hệ mới, máy làm mát không khí, bếp từ, bếp hồng ngoại, máy rửa bát… đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Năm 2023, Tập đoàn Hòa Phát đã nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 9.000 tỷ đồng. Trong đó, các công ty thành viên có đóng góp ngân sách nhiều nhất là Thép Hòa Phát Dung Quất, Thép Hòa Phát Hải Dương, Ống thép Hòa Phát, Thép Hòa Phát Hưng Yên, Điện máy gia dụng. Tính từ năm 2007, thời điểm khi Hòa Phát bắt đầu niêm yết trên thị trường chứng khoán đến 31/12/2023, Hòa Phát đã nộp trên 74.000 tỷ đồng cho Ngân sách Nhà nước.
Để lại một phản hồi