Sốc: Cho vay margin lập kỷ lục ngay trước cú rơi hơn 100 điểm, dư nợ vượt thời VN-Index trên đỉnh 1.500

TIN MỚI

    Sốc: Cho vay margin lập kỷ lục ngay trước cú rơi hơn 100 điểm, dư nợ vượt thời VN-Index trên đỉnh 1.500 - Ảnh 1.

    Trước cú rơi chóng vánh hơn 100 điểm tuần qua, thị trường chứng khoán đã có một giai đoạn khởi sắc trong quý đầu năm. Từ dưới 1.100 hồi giữa tháng 12 năm ngoái, VN-Index gần như tăng một mạch lên đỉnh 19 tháng vào cuối quý 1. Động lực chủ yếu đến từ dòng tiền nội, trong đó có chất xúc tác không thể thiếu là đòn bẩy “margin”.

    Theo thống kê, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán vào thời điểm cuối quý 1/2024 ước tính tăng 26.000 tỷ so với cuối năm 2023, đạt khoảng 206.000 tỷ đồng. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, vượt cả giai đoạn quý 1/2022 khi VN-Index trên đỉnh lịch sử 1.500 điểm. Trong đó, dư nợ margin ước tính vào khoảng 195.000 tỷ đồng, tăng 23.000 tỷ so với cuối năm 2023 và cũng là con số kỷ lục trong lịch sử chứng khoán Việt Nam.

    photo-1713614639734

    Nhìn chung, hầu hết CTCK đều ghi nhận dư nợ cho vay tăng trong quý đầu năm 2024. Trong top đầu chỉ có duy nhất VNDirect có dư nợ giảm so với thời điểm cuối năm ngoái nhưng mức giảm không lớn. Ngược lại, nhiều CTCK có dư nợ tăng hàng nghìn tỷ như TCBS, SSI, Mirae Asset, HSC, VPBankS, KIS, VCBS, BSC,…

    CTCK có dư nợ cho vay tăng mạnh nhất trong quý 1 là TCBS với mức tăng hơn 3.200 tỷ đồng. Thời điểm 31/3, dư nợ cho vay của TCBS lên đến hơn 19.800 tỷ đồng, tiếp tục giữ vị trí số 1 trong nhóm các CTCK. Đây cũng là mức dư nợ cho vay cao nhất của TCBS kể từ khi CTCK này hoạt động.

    Bên cạnh TCBS, nhiều CTCK cũng phá kỷ lục về dư nợ cho vay trong quý vừa qua, có thể kể đến như VPS, MBS, VPBankS, Vietcap, KIS, VCBS, BSC,… Trong khi đó, dư nợ của bộ đôi SSI và VNDirect vẫn còn kém xa so với mức cao nhất từng đạt được vào giai đoạn cuối năm 2021 và đầu 2022.

    photo-1713614654903

    Mặt bằng lãi suất thấp kỷ lục đã thúc đẩy dòng tiền đổ vào chứng khoán, đồng thời kích thích nhu cầu sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư. Thị trường diễn biến khởi sắc trong một thời gian khá dài càng củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Margin cũng theo đó được mạnh dạn sử dụng nhiều hơn với mục đích cải thiện hiệu suất đầu tư.

    Dù vậy, dư nợ margin tăng cao kỷ lục cũng chính là một trong những nguyên nhân làm nhịp điều chỉnh của thị trường trở nên trầm trọng hơn. Chỉ trong tuần qua, VN-Index đã rơi mất hơn 100 điểm (-8%), qua đó ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong một năm rưỡi. Vốn hóa toàn thị trường cũng theo đó “bốc hơi” 480.000 tỷ (~20 tỷ USD), còn khoảng 6,28 triệu tỷ đồng.

    photo-1713638797786

    Ngoài yếu tố “căng” margin, trong báo cáo gần đây, SGI Capital còn chỉ ra nhiều áp lực lên dòng tiền trên thị trường chứng khoán như khối ngoại liên tục bán ròng; kế hoạch phát hành của nhiều công ty niêm yết trong quý 2 và lượng bán ròng của cổ đông nội bộ cũng tăng lên. Thanh khoản của thị trường bị thu hút vào một số nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao và định giá đắt với nguồn cung rất lớn.

    Quỹ cho rằng nhu cầu mua đã nhanh chóng được đáp ứng và thị trường tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn. “Giai đoạn lãi suất và thanh khoản tốt nhất năm đã qua. Một nhịp điều chỉnh và tích lũy là cần thiết để thị trường tìm lại điểm cân bằng và phân bổ lại dòng tiền hợp lý hơn cho xu hướng tích cực dài hạn cùng đà phục hồi chung của nền kinh tế”, SGI Capital nhấn mạnh.

    Đồng quan điểm, Mirae Asset cũng cho rằng, TTCK đang có rủi ro tiềm ẩn, khi mà bất kỳ giai đoạn điều chỉnh nào trong nhóm ngân hàng có thể gây áp lực giảm điểm cho VN-Index do tỷ trọng vốn hóa đáng kể của ngành. Theo CTCK này, dư địa cho xu hướng tăng phần nào bị thu hẹp khi VN-Index tiến gần đến mốc 1.300 điểm, tương ứng với mức P/E bình quân của 10 năm gần nhất.

    photo-1713614784644

    Đánh giá về thị trường, ông Lã Giang Trung – CEO Passion Investment cho rằng đây là sự điều chỉnh lành mạnh của thị trường trong một giai đoạn tăng. Theo vị chuyên gia này, thông thường trong những đợt thị trường uptrend, khoảng 5 – 6 tháng sẽ có điều chỉnh, về mặt thời gian thị trường hiện tại cũng vừa đủ.

    Tương tự, quỹ ngoại Dragon Capital cũng có cái nhìn tích cực hơn dựa trên góc độ trung, dài hạn. Theo đó, thống kê của Dragon Capital cho thấy định giá 80 doanh nghiệp hàng đầu đang ở mức 11 lần, trong khi tăng trưởng EPS lên đến 18,5%. Điều này đồng nghĩa định giá tương đối hấp dẫn nếu xét về trung hạn.

    “Giai đoạn điều chỉnh không phải lúc nhà đầu tư rời bỏ thị trường mà nên tận dụng giải ngân cho góc nhìn trung dài hạn. Với mức định giá hấp dẫn, xác suất thị trường giảm thêm 10-15-20% là rất khó, 10% thì có thể nhưng nếu giảm trên 15% thì nhà đầu tư nên có hành động quyết liệt trong vấn đề đầu tư”, chuyên gia Dragon Capital nhận định.

    photo-1713614750053

    Hãy bình luận đầu tiên

    Để lại một phản hồi

    Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


    *