“Chúng tôi không coi Trung Quốc là kẻ thù, nhưng chúng tôi thất vọng vì thực tế Trung Quốc không lên án việc Nga tấn công Ukraine, tung tin thất thiệt về NATO, phương Tây, cũng như quan hệ giữa Trung Quốc và Nga ngày càng chặt chẽ hơn”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha hôm nay.
Dù vậy, ông cũng lưu ý Trung Quốc sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới và NATO cần hợp tác với Bắc Kinh về các vấn đề như biến đổi khí hậu.
Ông Stoltenberg đồng thời cáo buộc Nga đang “vũ khíhóa” năng lượng và cảnh báo “không hoán đổi sự phụ thuộc này bằng sự phụ thuộc khác”.
“Cách Nga đang sử dụng năng lượng như vũ khí ép buộc cho thấy cần thiết phải nhanh chóng loại bỏ dầu và khí đốt Nga. Chúng ta không được hoán đổi phụ thuộc này bằng phụ thuộc khác”, ông nói. “Rất nhiều công nghệ xanh mới đến từ Trung Quốc, chúng ta phải đa dạng hóa nguồn năng lượng và nhà cung cấp”.
Người đứng đầu NATO cũng thừa nhận những hệ quả từ các lệnh trừng phạt Nga là cái giá đáng phải trả cho tự do.
“Tất nhiên, tôi nhận ra các lệnh trừng phạt kinh tế của chúng ta tác động nhiều lĩnh vực và trên phạm vi toàn cầu, do đó châu Âu, các đồng minh NATO, Mỹ đều phải trả giá. Không cách nào phủ nhận điều đó”, ông nói, thêm rằng cái giá này thấp hơn nhiều cái giá các nước sẽ phải trả nếu “Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng vũ lực quân sự chống lại một quốc gia độc lập”. “Đó là cái giá mà chúng ta phải trả cho sự tự do”.
Trung Quốc cùng Ấn Độ là hai nền kinh tế lớn không áp lệnh trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine. Bắc Kinh đã kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột, nhưng tránh chỉ trích Moskva, đồng thời tăng cường nhập khẩu dầu thô giá rẻ của Nga trong những tháng qua.
Tổng thống Putin hồi giữa tháng này nói rằng quan hệ với Trung Quốc đang ở mức tốt nhất từ trước đến nay và ca ngợi mối quan hệ đối tác chiến lược nhằm chống lại ảnh hưởng của Mỹ.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga hôm 15/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định sẵn sàng tiếp tục ủng hộ Nga về các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi và các mối quan tâm chính như chủ quyền và an ninh, đồng thời ca ngợi đà phát triển tốt đẹp của quan hệ Bắc Kinh – Moskva kể từ đầu năm, trước “những bất ổn và thay đổi toàn cầu”.
Nga và Trung Quốc thời gian qua đã xích lại gần nhau hơn trong các lĩnh vực chính trị, thương mại, quân sự và khẳng định tình hữu nghị “không giới hạn”. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với lượng giao dịch năm ngoái đạt 147 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2019.
Huyền Lê (Theo Reuters, CNN, Guardian)
Để lại một phản hồi