Là đơn vị dẫn đầu thị trường sữa đậu nành trong nước với lợi thế từ ngân hàng gen, Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Đậu nành Vinasoy (VSAC) vừa tiếp tục giới thiệu đợt trồng khảo nghiệm, đánh giá 1.533 nguồn gen đậu nành quý tại Trạm Khảo nghiệm đậu nành Tây Nguyên sau 10 năm thu thập. Đây là đợt trồng đánh giá toàn bộ tập đoàn nguồn gen đậu nành hiện có để làm vật liệu lai tạo giống, nhằm phát triển các giống đậu nành mới có chất lượng dinh dưỡng và năng suất cao, phù hợp với các vùng nguyên liệu khắp cả nước, phục vụ cho việc sản xuất sữa đậu nành tại 3 nhà máy của Vinasoy trên cả nước.
Theo ban lãnh đạo, cùng với ngân hàng nguồn gen, trạm khảo nghiệm tập trung cũng là 1 trong 2 yếu tố trọng điểm, thể hiện chiến lược phát triển vùng nguyên liệu của Vinasoy ngay từ những ngày đầu.
Trong đó, ngân hàng gen đậu nành là thành quả lớn của VSAC sau nhiều năm thu thập, nghiên cứu các dòng/giống đậu nành trong và ngoài nước, từ các dòng/giống đậu nành hoang dại đến các dòng/giống đậu nành có các đặc tính chuyên biệt như năng suất cao, đạm cao, kháng sâu bệnh, kháng mặn, kháng phèn…
Vinasoy thực hiện bảo quản nguồn gen quý này trong điều kiện tối ưu để đảm bảo duy trì chất lượng hạt giống trong thời gian dài. Đồng thời, Vinasoy hiện đang áp dụng công nghệ di truyền phân tử (chỉ thị sinh học phân tử) trong công tác chọn tạo giống vì thế việc xác định giống con lai tốt được thực hiện rất nhanh, chính xác và không cần nhiều thời gian chờ đợi có kết quả. Hiện, Vinasoy đang sở hữu ngân hàng gen đậu nành lớn nhất Đông Nam Á.
Rút ngắn được thời gian tạo giống mới chỉ sau 4-5 năm
Đến nay, Vinasoy tiếp tục lựa chọn Cư Jút để thành lập Trạm khảo nghiệm đậu nành Tây Nguyên – địa điểm nghiên cứu chọn tạo giống, khảo nghiệm kỹ thuật canh tác để phát triển giống mới cho các vùng nguyên liệu trong cả nước. Với lợi thế về khí hậu, đất đai thổ nhưỡng, Cư Jút có thể gieo trồng tới 4 mùa đậu nành trong năm, giúp việc thử nghiệm đánh giá diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn, rút ngắn 1/2 thời gian so với phương pháp truyền thống, thậm chí nhanh hơn cả của các trung tâm nghiên cứu có tiếng trên thế giới như ở vùng Costa Rica – Trung Mỹ.
Với 2 yếu tố trên Vinasoy đã rút ngắn được thời gian chọn tạo giống mới và phát triển được giống tốt chỉ sau 4-5 năm (so với thời gian trung bình 10 năm ở các nước nổi tiếng cung ứng đậu nành như ở Canada, Mỹ… ).
Kết quả, Vinasoy đã chọn tạo thành công giống đậu nành không biến đổi gen VINASOY 02-NS, có năng suất cao, phù hợp với các dòng sản phẩm và chuyển giao cho nông dân ở các vùng nguyên liệu cải thiện năng suất chỉ từ 1-1,5 tấn lên 2,5-3 tấn/ha.
Tham quan Trạm khảo nghiệm đậu nành Tây Nguyên, ông Đinh Công Chính, Phó Trưởng Phòng Cây Lương thực, Cây Thực phẩm – Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: “Thời gian qua, diện tích và sản lượng đậu nành của nước ta liên tục giảm dần qua các năm. Nếu như năm 2010, diện tích trồng đậu nành đạt 197,8 nghìn ha, thì năm 2021 chỉ còn hơn 37 nghìn ha, giảm hơn 75% so với năm 2010. Việt Nam sẽ thiếu hụt 3,5-5 triệu tấn đậu tương/năm, trở thành nước nhập khẩu đậu nành lớn với kim ngạch 2-3 tỷ USD/năm, tương đương kim ngạch xuất khẩu gạo hiện nay (Tổng cục Hải quan, 2018).
Nhờ sở hữu tập đoàn nguồn gen đậu nành quý, Vinasoy có nhiều cơ hội chọn tạo ra ngày càng nhiều các giống đậu tương tốt, đáp ứng cho nhu cầu của nhà sản xuất và phù hợp với yêu cầu về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng. Đây là việc làm rất ý nghĩa, mang tính dài hạn, bền vững, vừa có tư duy chiến lược lại ứng dụng được công nghệ cao trong công tác chọn tạo giống, phát triển vùng trồng”.
Được biết, đậu nành vốn được coi là nhà máy sản xuất đạm tự nhiên cho cả người và đất: hạt đậu giàu protein là nguồn dinh dưỡng tốt và cây đậu nành có rễ nốt sần làm màu cho đất. Khi tìm ra được giống đậu nành tốt, có năng suất cao lên đến 2,5-3 tấn/ ha. Việc quay trở lại trồng đậu nành không chỉ giúp người nông dân tăng hiệu quả kinh tế còn tạo độ màu mỡ cho đất, góp phần cho cả những vụ hoa màu bội thu khác.
Sở hữu ngân hàng gen đậu nành với 1.533 dòng/giống đậu nành quý
Qua 10 năm nghiên cứu và phát triển, VSAC đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng kể, trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu đậu nành phát triển lớn và chuyên sâu nhất trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Trung tâm đã đang sở hữu ngân hàng gen đậu nành với 1.533 dòng/giống đậu nành quý: Đây là nguồn vật liệu phong phú, đa dạng, có nhiều đặc tính quý, là nền tảng vững chắc để Vinasoy chủ động về nguồn vật liệu lai tạo, phát triển giống đậu nành mới, phù hợp với các dòng sản phẩm và vùng nguyên liệu, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Công ty cũng phát triển được 4 vùng nguyên liệu trong cả nước từ Miền Trung, Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long, Đồng bằng Sông Hồng và Tây Nguyên với tiềm năng diện tích lên đến 9.000 ha.
Trong đó, nhờ ứng dụng công nghệ di truyền phân tử trong chọn tạo giống đậu nành, Vinasoy còn rút ngắn thời gian chọn tạo giống từ 8-10 năm xuống còn 4-5 năm, chọn được nhiều giống mới có phẩm chất tốt, trên nguồn vật liệu và phương pháp không biến đổi gen (non – GMO).
Trao đổi sơ lược về quá trình khảo nghiệm giống, đại diện Vinasoy cho biết: “Trạm khảo nghiệm hiện có 1.500 giống, trong đó trồng 2 hàng/giống. Về thời gian tăng trưởng thì mỗi giống sẽ có thời gian khác nhau. Con số trung bình hiện nay là 90-95 ngày thì đậu chín, một số dòng sớm hơn 80 ngày.
Hiện, trạm khả đánh giá được 10.000 dòng/năm, sau đó chọn lọc 10-20% dòng tốt lai tạo tiếp và cho ra thành một giống mới. Tổng thời gian tính từ giai đoạn lai tạo đến hoàn tất thủ tục là 4-4,5 năm. Trạm theo thống kê hiện mỗi năm lai tạo được 50 tổ hợp mới, lớn nhất Việt Nam.
Ngoài ra, trạm cũng tiến hành thu thập giống đậu tại các cường quốc về đậu nành như Mỹ, Canada… Đặc tính nổi trội của các dòng ngoại này là khả năng kháng bệnh và lượng protein lớn hơn do bên nước ngoài có kỹ thuật canh tác tốt hơn
Nhìn chung, nói về đậu nành thì quan trọng nhất là độ chiếu sáng. Đậy nành theo đó được biết đến là cây rất khó đem đi nơi khác vì nó phụ thuộc vào quang phổ ánh sáng. Mỗi nơi quang phổ khác nhau, nên giống đậu nành ở đây không thể mang đi ra Bắc hay vào miền khác được“.
Vừa ra mắt sản phẩm sữa chua uống làm từ đậu nành đầu tiên tại Việt Nam
Về Vinasoy, là thương hiệu thuộc Đường Quảng Ngãi (QNS), hàng năm mảng sữa đều mang lại nguồn doanh thu đáng kể cho Công ty. Ước tính quý đầu năm 2022, sản lượng sữa đậu nành Công ty đạt 53 triệu lít (tăng 16% so với cùng kỳ), doanh thu đạt 892 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ).
Đáng chú ý trong quý 1/2022, Công ty đã tăng giá bán bình quân khoảng 5-6% để bù đắp một phần chi phí đầu vào tăng cao. Theo Bloomberg, giá đậu nành vẫn neo ở mức cao (tăng 20% so với cùng kỳ). Trong khi đó, đậu nành và đường tổng cộng chiếm khoảng 35-40% giá vốn hàng bán.
Còn theo AC Nielsen, mức tiêu thụ sữa tăng 0,1% trong quý 1/2022, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng doanh thu của Vinasoy (tăng 23% so với cùng kỳ). Tăng trưởng doanh thu của Vinasoy cũng cao hơn so với các công ty cùng ngành.
Mới nhất, Công ty đã ra mắt sản phẩm sữa chua uống làm từ đậu nành (bao gồm 4 SKU) trong tháng 4/2022. Đây là sữa chua uống làm từ đậu nành và các loại hạt đầu tiên tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng.
https://babfx.com/vinasoy-va-chien-luoc-manh-me-hau-covid-19-ra-mat-sua-chua-tu-hat-dau-nanh-dau-tien-tai-viet-nam-khao-nghiem-toan-bo-1533-nguon-gen-quy-sau-10-nam-thu-thap-20220703180222257.chn
Theo Tri Túc
Nhịp Sống Kinh tế
Để lại một phản hồi