Nord Stream 1, đường ống dẫn khí đốt lớn nhất của Nga tới châu Âu, sáng 21/7 bắt đầu hoạt động trở lại sau 10 ngày bảo trì. Theo dữ liệu do tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga cung cấp cho Gascade, nhà điều hành đường ống phía Đức, 530 GWh khí đốt được giao trong ngày. Klaus Mueller, chủ tịch cơ quan quản lý năng lượng Đức, cho biết mức này chỉ bằng 30% công suất của đường ống.
Dù vậy, việc Nga mở lại đường ống đã giúp Liên minh châu Âu (EU) phần nào thở phào nhẹ nhõm khi những dự đoán trước đây rằng Moskva có thể sẽ tiếp tục đóng vòi khí đốt quá thời hạn bảo trì đã không trở thành hiện thực.
“Dòng chảy khí đốt được lưu thông trở lại qua đường ống Nord Stream giúp giải tỏa căng thẳng cho không chỉ thị trường khí đốt châu Âu mà còn cả nền kinh tế của khu vực”, Tom Marzec-Manser, chuyên gia tại công ty nghiên cứu thị trường và tư vấn về hóa chất và năng lượng ICIS, có trụ sở ở London, nhận xét.
Dù vậy, các nước châu Âu hiện vẫn phải gồng mình chuẩn bị cho “kịch bản tồi tệ nhất”, với lo ngại rằng Nga sẽ tiếp tục sử dụng khí đốt làm đòn bẩy chống lại các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Dù đang gấp rút đa dạng hóa nguồn cung, Đức vẫn phải dựa vào Nga để đáp ứng 1/3 nhu cầu khí đốt của mình, trong khi Pháp là khoảng 1/5.
Gazprom đã giảm đáng kể nguồn cung cho Liên minh châu Âu (EU) trong những tháng qua, cắt giảm 60% lượng khí đốt chảy qua đường ống Nord Stream 1. Với giá tăng cao và mức dự trữ khí đốt tương đối thấp, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 20/7 đề xuất các quốc gia thuộc khối giảm 15% lượng khí đốt sử dụng vào mùa đông sắp tới.
Đức, một trong những quốc gia phụ thuộc nặng nề nhất vào năng lượng Nga, đang trong giai đoạn hai của kế hoạch xử lý khủng hoảng khí đốt khẩn cấp ba cấp độ. Nước nóng đã bị cắt tại một số trụ sở chính quyền. Nhiều chủ nhà cho biết họ có thể giảm nhiệt độ hệ thống sưởi vào mùa đông này.
Chính phủ Đức hy vọng họ sẽ không phải thực hiện bước cuối cùng trong kế hoạch khẩn cấp của mình: Can thiệp vào thị trường để ngừng cung cấp khí đốt cho một số ngành công nghiệp nhất định.
Theo bình luận viên Elena Mazneva và Isis Almeida từ Bloomberg, nếu thiếu khí đốt Nga, châu Âu sẽ khó có đủ nguồn cung để sưởi ấm cho các hộ gia đình và duy trì cung cấp điện không gián đoạn trong mùa đông.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo dòng chảy khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 có thể giảm xuống 20% ngay trong tuần tới bởi hiện tại, chỉ có hai tuabin nén khí của đường ống hoạt động và một tuabin cần được bảo trì trong tháng này.
“Vẫn còn nhiều yếu tố không chắc chắn về dòng chảy khí đốt trong những tuần và tháng tới”, Warren Patterson, chuyên gia phân tích tại ngân hàng ING ở Hà Lan, cho hay. “Vì vậy, rủi ro vẫn khá lớn”.
Nhiều người cho rằng Nga sẽ có nhiều lợi thế hơn nếu họ tiếp tục để châu Âu tiếp tục “ngồi trên đống lửa” và phỏng đoán về những diễn biến tiếp theo của dòng chảy khí đốt.
“Duy trì dòng chảy Nord Stream 1 ở mức hạn chế sẽ có lợi cho Nga”, Tim Partridge, người đứng đầu bộ phận kinh doanh năng lượng tại công ty tư vấn DB Group châu Âu, đánh giá. “Nó cũng cho phép Điện Kremlin tiếp tục sử dụng đường ống của mình như một công cụ để làm tăng biến động thị trường, trong khi vẫn thu được lợi nhuận khổng lồ do giá năng lượng tăng”.
Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng mạnh trong năm qua, lên mức kỷ lục ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi cuối tháng hai. Mặc dù đã giảm xuống sau đó, giá vẫn cao hơn vài lần so với mức trung bình 5 năm qua, khiến mọi chi phí của người tiêu dùng đều tăng theo.
Những lo ngại về tình trạng thiếu khí đốt đã lan sang mọi thị trường, làm suy yếu đồng euro. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo việc mất hoàn toàn nguồn cung từ Nga sẽ khiến Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, có nguy cơ sụt giảm gần 5% sản lượng kinh tế.
James Waddell, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Energy Aspects, trụ sở ở Anh, nhận định bằng cách khôi phục dòng chảy khí đốt từng phần, Tổng thống Putin sẽ duy trì được mức độ ảnh hưởng nhất định với châu Âu trong mùa đông này, đồng thời có thêm động lực chống lại bất kỳ động thái gây áp lực nào với Moskva vì xung đột Ukraine.
“Dù động thái khôi phục dòng chảy khí đốt sau bảo trì của Nga được hoan nghênh, nó cũng có thể làm suy yếu mặt trận đoàn kết ở châu Âu”, Waddell cho hay. “Mục tiêu của Nga rõ ràng là ngăn cản châu Âu lấp đầy kho dự trữ khí đốt của mình trước mùa đông. Bằng cách khôi phục một phần dòng chảy, họ vẫn duy trì được đòn bẩy chính trị với châu Âu, đồng thời tối đa hóa doanh thu từ xuất khẩu khí đốt”.
Vũ Hoàng (Bloomberg, Washington Post, Financial Times)
- Nắng nóng giáng đòn vào khủng hoảng khí đốt châu Âu
- Châu Âu chạy đua trữ khí đốt cho mùa đông
- Chiến thuật của Mỹ nhằm bóp nghẹt nguồn thu dầu mỏ Nga
- Châu Âu tìm cách bủa vây dầu Nga
Để lại một phản hồi