Phần Lan nghi tiêm kích Nga xâm phạm không phận

“Hai tiêm kích nghi MiG-31 của Nga đã xâm phạm không phận Phần Lan ở Vịnh Phần Lan, ngoài khơi thành phố Porvoo”, Bộ Quốc phòng Phần Lan hôm nay cho biết trong một tuyên bố. “Lực lượng không quân Phần Lan đã triển khai tiêm kích xác định danh tính phi cơ xâm phạm”.

Theo Bộ Quốc phòng Phần Lan, Lực lượng Biên phòng nước này đã bắt đầu cuộc điều tra về hành vi xâm phạm.

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Phần Lan nói rằng sự cố xảy ra lúc 9h40 (13h40 giờ Hà Nội) và kéo dài khoảng hai phút, khi các tiêm kích bị tố xâm phạm bay về phía tây khoảng một km.

Nga hiện chưa bình luận về thông tin này.

Tiêm kích MiG-31 sau một chuyến bay huấn luyện đầu năm nay. Ảnh: Russian Planes.

Tiêm kích MiG-31 sau một chuyến bay huấn luyện năm 2020. Ảnh: Russian Planes.

Phần Lan, quốc gia có chung đường biên giới phía đông dài 1.300 km với Nga, đã đảo ngược chính sách hàng thập kỷ không liên kết quân sự khi nộp đơn xin gia nhập NATO hồi tháng 5, vài tháng sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cơ quan Tình báo và An ninh Phần Lan (SUPO) hồi tháng 5 cảnh báo Nga tính toán gây ảnh hưởng đến quá trình xin gia nhập NATO của Phần Lan và “dự kiến thực hiện nhiều nỗ lực khác nhau cho mục đích này”.

Phần Lan trở thành nước trung lập thông qua hiệp ước hữu nghị với Liên Xô năm 1948, với kỳ vọng ngăn tái diễn cuộc chiến Phần Lan – Liên Xô năm 1939 từng khiến hơn 80.000 binh sĩ nước này thiệt mạng.

Xuyên suốt thời Chiến tranh Lạnh, quốc gia Bắc Âu duy trì tôn chỉ không liên kết, bất chấp sức ảnh hưởng từ cả hai khối do Liên Xô và Mỹ dẫn đầu. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Phần Lan dần chuyển trọng tâm đối ngoại sang phương Tây, đánh dấu với quyết định gia nhập EU năm 1995.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo Phần Lan phạm sai lầm khi từ bỏ chính sách trung lập để xin vào NATO. Nga hồi tháng 5 đã cắt nguồn cung khí đốt tới Phần Lan với lý do không thanh toán bằng đồng ruble theo yêu cầu của Moskva.

Vị trí Phần Lan và Nga. Đồ họa: Wikimedia.

Vị trí Phần Lan và Nga. Đồ họa: Wikimedia.

Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*