Nhà máy lọc dầu Abqaiq của Công ty Aramco ở Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN |
Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn giảm 2% trong ngày giao dịch 29/3, tương đương 2,25 USD, xuống 110,23 USD / thùng, trong khi giá dầu thô WTI giao sau của Mỹ trượt 1,62%, tương đương 1,72 USD, xuống còn 104,24 USD/thùng. Trước đó, dầu Brent và dầu WTI đều trượt giá khoảng 7% trong ngày giao dịch đầu tuần 28/3.
Sáng nay, 30/3, theo giờ giao dịch châu Á, giá dầu thế giới hồi phục nhẹ. Cụ thể, dầu thô Brent tăng giá 0,59% lên 110,88 USD/thùng còn dầu thô WTI của Mỹ nhích giá 0,61% lên 104,88 USD/thùng.
Các nhà đàm phán của Ukraine và Nga đã có mặt cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà đàm phán hàng đầu của Nga cho biết cuộc đàm phán lần này là “mang tính xây dựng”.
Về phía Ukraine, các nhà đàm phán cho biết quốc gia này đã đề xuất áp dụng quy chế trung lập để đổi lấy sự đảm bảo an ninh tại các cuộc đàm phán, có nghĩa là nước này sẽ không tham gia các liên minh quân sự hoặc sở hữu các căn cứ quân sự.
Hiroyuki Kikukawa, Giám đốc phụ trách nghiên cứu tại Công ty môi giới chứng khoán Nissan Securities, đánh gía: “Giá dầu đang chịu áp lực tăng trở lại do triển vọng các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga có thể giúp nới lỏng các biện pháp trừng phạt…”
Nguồn cung dầu mỏ thế giới bị gián đoán và giá dầu tăng cao sau khi phương Tây áp dụng các lệnh trừng phạt mạnh tay lên nền kinh tế và ngành năng lượng Nga sau khi Điện Kremlin tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ cuối tháng 2.
Giá dầu thế giới cũng đang chịu áp lực từ dịch Covid-19 đang gia tăng tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu nhiều dầu mỏ nhất thế giới. Giới phân tích lo ngại, các đợt phong tỏa mà chính quyền Trung Quốc áp dụng nhằm khống chế dịch Covid-19, nhất là tại Thượng Hải, sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu ở Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích của ANZ Research, Thượng Hải chiếm khoảng 4% lượng tiêu thụ dầu của Trung Quốc. Việc phong tỏa chống dịch đã kéo giảm mức tiêu thụ nhiên liệu vận tải ở Trung Quốc, khiến một số nhà máy lọc dầu độc lập ở nước này đang cố bán lại dầu thô giao hàng trong hai tháng tới.
Ông Carsten Fritsch, nhà phân tích ngành hàng dầu mỏ tại Commerzbank cho biết: “Chính sách zero-Covid của Trung Quốc đang phần nào hỗ trợ cho thị trường dầu mỏ, mặc dù không tự nguyện, nguồn cung dầu mỏ vốn rất eo hẹp do nguồn cung từ Nga bị đứt đoạn”.
Trước đó, giá dầu đã tăng gần 2 USD sau khi nguồn cung dầu mỏ từ Kazakhstan tiếp tục bị gián đoạn và các cường quốc dầu mỏ cho thấy họ sẽ không vội vàng tăng sản lượng.
Bộ năng lượng Kazakhstan cho biết quốc gia này sẽ hụt ít nhất 1/5 sản lượng dầu mỏ trong một tháng do các điểm neo đậu để xuất khẩu dầu thô trong hệ thống đường ống Caspian Pipeline Consortium (CPC) bị thiệt hại do bão.
Giới phân tích nhận định, sau cuộc họp chính sách diễn ra trong tuần này, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, gọi chung là OPEC+ sẽ tiếp tục bám sát kế hoạch tăng sản lượng khiêm tốn trong tháng 5, bất chấp giá dầu tăng đột biến do cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine và lời kêu gọi của Mỹ và các quốc gia tiêu dùng nhiều dầu mỏ khác về việc tăng cung dầu cho thị trường.
Các bộ trưởng năng lượng của Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất – hai thành viên chủ chốt của liên minh OPEC+, cho rằng liên minh này không nên tham gia vào vấn đề chính trị trong bối cảnh họ đang đứng trước sức ép buộc phải hưởng ứng các lệnh trừng phạt Nga.
Để lại một phản hồi