Thi đấu trên sân nhà tối 1/10, đội bóng Arema FC mà Vilallah thần tượng đã để thua với tỉ số 2 – 3 trước đội khách Persebaya Surabaya. Thất vọng, Vilallah chỉ muốn ra về. Tuy nhiên, khi chuẩn bị rời sân vận động Kanjuruhan ở thành phố Malang, tỉnh Đông Java, Indonesia, anh đã bị mắc kẹt ở lối ra cùng hàng nghìn người khác đang cố gắng thoát thân.
“Hơi cay ở khắp mọi nơi, vì thế các cổ động viên chạy tán loạn”, Vilallah, 22 tuổi, nhớ lại. “Mọi người xô đẩy nhau, rất nhiều người thậm chí bị kẹt cứng, không thể di chuyển”.
Vilallah và anh trai cuối cùng đã sống sót thoát khỏi sân vận động. Nhưng sau đó, anh nhìn thấy người bạn của mình, Evi Syaila, đang nằm bất động gần lối ra.
Anh đưa cô gái 18 tuổi về nhà vì nghĩ cô không bị thương tích nghiêm trọng. Song khi Syaila tỉnh dậy vào sáng 2/10, cô không thể ăn uống.
“Mọi thứ đều đau. Bụng tôi đau quặn”, cô miêu tả. Syaila được đưa đến một bệnh viện ở Malang và các bác sĩ nói cô cần nhập viện. Syaila tin rằng cô bị ai đó giẫm lên người trong lúc tháo chạy nhưng cô không nhớ rõ chuyện gì đã xảy ra tại sân vận động.
“Mọi chuyện quá đột ngột. Tôi đã rất kinh hoàng”, Syaila cho hay.
Trong khi cả hai người đều sống sót sau thảm kịch, Vilalllah đã mất 4 người bạn của mình. “Tôi chỉ biết tin này vào khoảng 3h sáng. Một nam và ba nữ”, anh nói với Channel News Asia.
Cả Vilallah và Syaila đều đã nhiều lần xem trực tiếp các trận đấu của Arema FC trên sân, nhưng thảm kịch hôm 1/10 là điều tồi tệ nhất mà cả hai từng chứng kiến.
Sau trận đấu, hàng nghìn người hâm mộ tức giận đã xông vào sân bóng. Cảnh sát phải bắn hơi cay để kiểm soát đám đông song lại gây ra cảnh hỗn loạn, khiến mọi người giẫm đạp lên nhau và nhiều trường hợp bị ngạt thở, cảnh sát trưởng Đông Java Nico Afinta cho biết.
Ít nhất 125 người chết, trong đó có một em bé 5 tuổi, và khoảng 320 người bị thương.
“Mọi người chạy ùa vào sân sau khi đội Arema thua nhưng tại sao họ lại bắn hơi cay khắp nơi? Tôi ở trên khán đài, tại sao lại có hơi cay ở khán đài? “, Valiallah nói. “Tôi sẽ không bao giờ xem một trận đấu nào ở sân vận động nữa. Nó quá nguy hiểm”.
Vilallah và Syaila kêu gọi chính quyền chấm dứt tình trạng bạo loạn bóng đá diễn ra ở Indonesia. Họ cũng muốn ban tổ chức và lực lượng an ninh sẽ phải chịu trách nhiệm.
Phát biểu vào sáng 2/10, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho hay giới chức cần đánh giá kỹ lưỡng an ninh tại các trận đấu và sự việc tại sân vận động Kanjuruhan phải là “thảm kịch bóng đá cuối cùng của đất nước”. Ông cũng ra lệnh cho Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) đình chỉ tất cả trận đấu tại giải hạng nhất Liga 1 đến khi các cuộc điều tra hoàn tất.
Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (FIFA) nêu rõ trong các quy định an toàn của mình rằng quản lý viên sân vận động và cảnh sát không được mang hoặc sử dụng súng hay hơi cay để “kiểm soát đám đông”.
Vũ Hoàng (Theo CNA)
- Vụ giẫm đạp khiến 125 người chết ở sân vận động Indonesia
- Vụ giẫm đạp tại sân vận động Indonesia diễn ra thế nào
Để lại một phản hồi