“Đó là thất bại chính sách nguy hiểm của chính phủ đương nhiệm Israel”, lãnh đạo đối lập Yair Lapid, người giữ chức thủ tướng Israel từ tháng 7 đến tháng 12/2022, viết trên Twitter ngày 10/3, sau khi Arab Saudi và Iran thông báo khôi phục quan hệ ngoại giao sau các cuộc đàm phán do Trung Quốc làm trung gian.
Theo phe đối lập, chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu đương nhiệm đã bỏ bê quan hệ đối ngoại để tập trung vào cải cách tư pháp trong nước, động thái làm dấy lên nhiều cuộc biểu tình phản đối.
Cựu thủ tướng Naftali Bennett cùng ngày cho rằng việc Arab Saudi và Iran khôi phục quan hệ ngoại giao là hệ quả của “sự tắc trách, yếu kém của chính quyền ông Netanyahu cùng sự chia rẽ nội bộ trong nước”.
Đây là “diễn biến nghiêm trọng và nguy hiểm với Israel, đồng thời là thắng lợi ngoại giao của Iran, một đòn giáng nặng nề vào nỗ lực thiết lập một liên minh đối phó Tehran tại khu vực”, theo ông Bennett.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao đang tháp tùng Thủ tướng Netanyahu thăm Italy bác bỏ các cáo buộc, cho rằng đây là lỗi của các chính quyền tiền nhiệm.
Người này cho hay quá trình đàm phán giữa Riyadh và Tehran bắt đầu từ năm 2021, khi chính phủ đoàn kết của ông Bennett và Lapid đang lãnh đạo Israel và chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran.
“Có cảm giác rằng sự mềm yếu của Mỹ và Israel đã khiến Arab Saudi tìm đến các bên khác”, quan chức này nói.
Văn phòng cựu thủ tướng Lapid phản đối, cho rằng trong giai đoạn ông cầm quyền, Israel đã ký một thỏa thuận hàng không với Arab Saudi và thỏa thuận an ninh ba bên với Arab Saudi, Ai Cập.
Chính sách đối ngoại là một trong những thành tựu lớn của ông Netanyahu ba năm trước. Ông từng ca ngợi “một kỷ nguyên mới” trong quan hệ giữa Israel và thế giới Arab, khi Israel và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) bình thường hóa quan hệ.
Với Mỹ đóng vai trò trung gian, Israel sau đó cũng cải thiện quan hệ với Bahrain, tiếp theo là Morocco. Ông Netanyahu cũng không che giấu mục tiêu cuối cùng là đưa Arab Saudi vào một liên minh ở khu vực để đối phó Iran, quốc gia bị Tel Aviv coi là “kình địch”.
Iran và Arab Saudi ngày 10/3 bất ngờ thông báo khôi phục quan hệ, tái mở cửa các cơ quan đại diện ngoại giao ở hai nước trong vòng hai tháng, sau nỗ lực trung gian của Trung Quốc. Động thái được cho là sẽ có ảnh hưởng sâu rộng tới bức tranh địa chính trị ở khu vực Trung Đông.
Arab Saudi, quốc gia Hồi giáo dòng Sunni chiếm đa số, năm 2016 cắt quan hệ ngoại giao với Iran, nơi người dân chủ yếu theo Hồi giáo dòng Shiite. Quyết định này được đưa ra nhằm đáp trả việc người biểu tình Iran tấn công các cơ quan đại diện ngoại giao của Arab Saudi để phản đối Riyadh xử tử giáo sĩ dòng Shiite Nimr al-Nirm.
Ngoài ra, Iran và Arab Saudi còn bất đồng trong nhiều vấn đề, hỗ trợ các phe phái khác nhau ở những vùng xung đột như Yemen, đồng thời cạnh tranh ảnh hưởng ở Syria, Lebanon và Iraq.
Như Tâm (Theo Times of Israel, AFP)
Để lại một phản hồi