Giáo hoàng kêu gọi ngừng bắn ở Ukraine dịp lễ Phục sinh

“Hãy để thỏa thuận ngừng bắn dịp Lễ Phục sinh bắt đầu. Nhưng không phải cung cấp thêm vũ khí và tiếp tục chiến đấu. Không! Một thỏa thuận ngừng bắn sẽ dẫn đến hòa bình, thông qua đàm phán thực sự”, Giáo hoàng nói trước đám đông tại Quảng trường St. Peter ở Vatican. Lễ Phục sinh năm nay diễn ra vào ngày 17/4.

“Cắm cờ trên đống gạch vụn thì có gì là chiến thắng”, ông nói, đề cập đến xung đột ở Ukraine.

Giáo hoàng Francis phát biểu với các tín đồ tại quảng trường St. Peter ở Vatican hôm 27/2. Ảnh: Reuters.

Giáo hoàng Francis phát biểu với các tín đồ tại quảng trường St. Peter ở Vatican hôm 27/2. Ảnh: Reuters.

Giáo hoàng Francis hôm 6/4 cũng bày tỏ sẵn sàng tham gia vào nỗ lực ngăn chặn giao tranh, khẳng định ông sẵn sàng đến Kiev.

Hồi cuối tháng hai, Giáo hoàng Francis cho biết ông rất đau lòng vì cuộc chiến ở Ukraine và kêu gọi các bên ngừng bắn để mang lại hòa bình cho nước này. Ông cũng từng điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cũng như đại sứ quán Nga tại Vatican để bày tỏ quan ngại về chiến dịch quân sự của nước này.

Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ ngày 24/2 để “phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa”. Quân đội Nga từ cuối tháng 3 tuyên bố giảm đáng kể hoạt động tại một số địa bàn, trong đó có khu vực quanh thủ đô Kiev và đã rút quân khỏi khu vực này. Bộ Tư lệnh Các lực lượng Vũ trang Ukraine ngày 8/4 cho biết Nga đã hoàn tất rút quân khỏi khu vực Sumy, phía bắc Ukraine, đồng thời tiếp tục củng cố lực lượng ở miền đông.

Tại khu vực ly khai ở miền đông Ukraine, phe ly khai hôm 31/3 thông báo lực lượng của họ và Nga đã kiểm soát 90% tỉnh Lugansk và khoảng 55-60% tỉnh Donetsk.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov ngày 8/4 tuyên bố xung đột với Ukraine chỉ có thể được giải quyết khi Kiev cam kết trung lập, phi quân sự hóa và nhượng bộ lãnh thổ.

“Lập trường mang tính nguyên tắc của chúng tôi trong vấn đề này là rất rõ ràng”, ông nói, đề cập đến các yêu cầu Nga đưa ra trong đàm phán hòa bình với Ukraine. “Chúng tôi yêu cầu các bên xem xét vô điều kiện các lợi ích an ninh của Nga, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa nhà nước Ukraine, đảm bảo trạng thái trung lập, phi hạt nhân của họ, cũng như thừa nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea và công nhận độc lập cho hai nước cộng hòa ở Donetsk, Lugansk”.

Tuyên bố của ông Antonov cho thấy giữa Nga và Ukraine vẫn còn những khác biệt rất lớn trong lập trường đàm phán hòa bình. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó bày tỏ Kiev sẵn sàng tuyên bố trung lập, từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, nhưng không chấp nhận nhượng bộ về lãnh thổ.

Vũ Hoàng (Theo AFP)

  • Đoàn xe dài 13 km của Nga tiến đến đông Ukraine
  • Nga đăng video cơ sở hồi sinh thiết giáp tại Ukraine
  • Ukraine cấm nhập hàng từ Nga
  • Ukraine bị yêu cầu chứng minh ‘không dàn dựng thảm sát’

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*