Hướng tới NATO, Phần Lan tăng sức ép lên Nga

Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto ngày 12/5 cho biết chính phủ nước này dự kiến công bố sách trắng ngoại giao với đề xuất gia nhập NATO vào cuối tuần để trình quốc hội để bỏ phiếu. Quốc hội Phần Lan dự kiến khởi động thảo luận sơ bộ vào sáng 16/5.

NATO nhiều khả năng sẽ sớm mời Phần Lan đối thoại về việc gia nhập liên minh. Nhiều người tin quá trình sẽ diễn ra rất nhanh, bởi Phần Lan đáp ứng hầu hết các tiêu chí để gia nhập NATO. Nhiều cuộc thăm dò dư luận gần đây chỉ ra ít nhất 60% người Phần Lan ủng hộ trở thành thành viên NATO, tăng vọt so với tỷ lệ khoảng 30% vào các năm trước.

“Nếu điều này diễn như như mong đợi, đất nước chưa tới 6 triệu dân sẽ vẽ lại bản đồ an ninh châu Âu theo cách mà trước đây khó có thể tưởng tượng, cũng như có thể gây tác động to lớn đối với Nga”, Luke McGee, nhà phân tích của CNN, nhận định.

Xe tăng Leopard tham gia diễn tập Arrow 22 tại Kankaanpaa, phía tây Phần Lan hôm 4/5. Ảnh: AFP.

Xe tăng Leopard tham gia diễn tập Arrow 22 tại Kankaanpaa, phía tây Phần Lan hôm 4/5. Ảnh: AFP.

Trước khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng NATO đã tiến quá gần đến Nga và khối này nên quay lại biên giới vào thập niên 1990, trước khi một số quốc gia láng giềng với Nga hoặc các nước thuộc Liên Xô cũ gia nhập liên minh quân sự.

Nga có chung đường biên giới trên bộ dài hơn 1.200 km với 5 thành viên NATO. Việc Phần Lan gia nhập liên minh đồng nghĩa đường biên giới này sẽ dài thêm gần 1.300 km.

“Đây không chỉ là tin xấu cho Điện Kremlin, mà việc có thêm Phần Lan sẽ mang lại lợi ích khá lớn cho NATO”, nhà phân tích McGee cho hay.

Mặc dù dân số tương đối nhỏ, Phần Lan từ lâu đã là một cường quốc quân sự. Quân đội nước này đã sử dụng các khí tài mua từ Mỹ tương thích với các đồng minh NATO, có nghĩa họ có thể dễ dàng tham gia các nhiệm vụ của NATO nếu muốn.

Nhiều người tin rằng lý do duy nhất khiến Phần Lan không gia nhập liên minh trước khi khủng hoảng Ukraine nổ ra đơn giản là vì chủ nghĩa thực dụng. “An ninh Phần Lan luôn dựa trên hai khái niệm: đầu tiên là địa lý và lịch sử, thứ hai là chủ nghĩa lý tưởng và thực tế”, Alexander Stubb, cựu thủ tướng Phần Lan, chia sẻ.

“Trong một thế giới lý tưởng, chúng tôi muốn hợp tác với nước láng giềng Nga. Nhưng lịch sử cũng cho chúng tôi biết rằng mối đe dọa thực tế lớn nhất đối với an ninh quốc gia Phần Lan cũng là Nga. Qua thời gian, Nga đang cho thấy họ sẵn sàng tạo ra sự hỗn loạn lớn hơn trong khu vực của chúng tôi, nên gia nhập NATO trở thành lựa chọn thực tế”, ông nói thêm.

Trong lịch sử, Phần Lan đã tìm cách giải quyết hài hòa mối quan hệ với Nga bằng cách xoa dịu các quan ngại an ninh của Moskva, nhưng đồng thời duy trì chi tiêu quốc phòng cao và quân đội thường trực mạnh, tương thích với phương Tây.

“Ý tưởng phương Tây sẽ tấn công Nga thật hoang đường, nhưng chúng tôi đã cố gắng giảm thiểu những quan ngại đó bằng cách thúc đẩy thương mại và hợp tác trong các lĩnh vực khác”, Charly Salonius-Pasternak, một nhà nghiên cứu hàng đầu về an ninh toàn cầu tại Viện Các vấn đề quốc tế Phần Lan, nói.

Ông Salonius-Pasternak thêm rằng dù duy trì chế độ nghĩa vụ quân sự và chi tiêu quốc phòng cao, các chính trị Phần Lan luôn thuyết phục công chúng rằng quan điểm theo chủ nghĩa lý tưởng của họ luôn phải được duy trì bằng mọi giá.

“Hệ tư tưởng này là một trong những điều sống còn với Phần Lan. Trong 100 năm qua, chúng tôi đã trở thành một quốc gia mạnh mẽ, có chủ quyền với mức sống cao. Chúng tôi đã phải hy sinh đất đai để duy trì hòa bình”, Salonius-Pasternak nói. “Do đó, điều cực kỳ quan trọng là hệ tư tưởng đó vẫn tồn tại, dù bằng ngoại giao thực dụng hay có lập trường cứng rắn hơn chống lại mối đe dọa lớn nhất của chúng ta”.

Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin (trái) họp báo cùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Berlin, Đức hồi tháng 3. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin (trái) họp báo cùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Berlin, Đức hồi tháng 3. Ảnh: Reuters.

Luke McGee, nhà phân tích của CNN, cho rằng việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ là đòn giáng mạnh với Moskva, bởi nó cho thấy một liên minh ngày càng đoàn kết và mở rộng ứng phó Nga sau xung đột Ukraine. Một số quốc gia từng trung lập hiện cung cấp tài chính và vũ khí cho Ukraine, trong khi sức ép với Nga ngày càng tăng.

Tầm ảnh hưởng của NATO cũng sẽ được mở rộng từ Bắc Âu cho đến Bắc Cực, một khu vực ngày càng trở nên quan trọng về mặt địa chính trị nhờ tài nguyên thiên nhiên, vị trí chiến lược và nhiều bên đưa ra yêu sách lãnh thổ, trong đó có Nga, Phần Lan và Mỹ.

Thụy Điển, quốc gia láng giềng của Phần Lan, cũng đang xem xét gia nhập NATO. Việc Phần Lan gia nhập sẽ khiến khả năng này cao hơn, vì hai nước có sự thay đổi quan điểm tương tự kể từ sau xung đột Ukraine.

Tuy nhiên, giới quan sát cũng lo ngại về phản ứng của Nga trước mong muốn gia nhập NATO của Phần Lan.

Martti Kari, người từng là trợ lý giám đốc tình báo quốc phòng Phần Lan, nói Nga đã bắt đầu một chiến dịch truyền bá thông tin sai lệch chống lại Phần Lan. “Chiến dịch này chủ yếu cáo buộc Phần Lan là một quốc gia phát xít”, ông nói.

Kari dự đoán Nga có thể tiến hành các hoạt động vi phạm không phận Phần Lan và làm gián đoạn các hoạt động trên biển như vận chuyển, cũng như tăng cường hoạt động tình báo chống lại nước này.

Hakon Lunde Saxi, phó giáo sư tại Đại học Quốc phòng Na Uy, cho rằng bất kỳ động thái nào hướng tới tư cách thành viên NATO của Phần Lan “có thể sẽ khiến Nga tăng cường quân đội dọc biên giới mới của NATO, điều sẽ không có lợi cho an ninh Phần Lan hoặc châu Âu”.

Tuy nhiên, ông tin rằng lợi ích từ việc gia nhập NATO sẽ vượt xa “những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra liên quan tới việc Nga tăng cường quân dọc biên giới Phần Lan”.

Bất chấp những lo ngại về những gì xảy ra trong giai đoạn trước khi chính thức gia nhập, trong đó Phần Lan chưa được bảo vệ với tư cách thành viên NATO, nhiều quan chức nói họ hy vọng các thành viên của liên minh, đặc biệt là Anh và Mỹ, sẽ đảm bảo an ninh cho Helsinki.

“Tất nhiên không có gì chắc chắn cho tới khi Phần Lan chính thức tuyên bố ý định của mình”, Luke McGee chia sẻ. “Tuy nhiên, động thái hướng về NATO của Helsinki đã cho thấy tính toán của Putin nhằm giảm ảnh hưởng của liên minh quân sự này ở châu Âu đã phản tác dụng”.

Vị trí các nước xung quanh Biển Baltic. Đồ họa: SWP.

Vị trí các nước xung quanh Biển Baltic. Đồ họa: SWP.

Thanh Tâm (Theo CNN)

  • Nga khó ngăn Phần Lan gia nhập NATO
  • Động lực đẩy Phần Lan, Thụy Điển hướng tới NATO
  • Hệ lụy chiến sự Ukraine thử thách lòng đoàn kết phương Tây
  • Bài phát biểu giảm tông với phương Tây của ông Putin
  • Cuộc đua bơm vũ khí có thể định đoạt chiến sự Ukraine

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*