Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin ngày 12/5 dự kiến ra tuyên bố chung trình bày quan điểm về khả năng nước này gia nhập NATO. Trong tuyên bố chung này, ông Niinisto nhiều khả năng sẽ ủng hộ quyết định gia nhập NATO của Phần Lan.
“Gia nhập NATO không chống lại bất kỳ ai”, Tổng thống Phần Lan nói trong cuộc họp báo hôm qua, bất chấp cảnh báo của Moskva rằng Helsinki sẽ phải “hứng chịu hậu quả” nếu tìm cách trở thành thành viên liên minh quân sự.
“Mọi dấu hiệu đều cho thấy Phần Lan sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO”, Iro Sarkka, chuyên gia về NATO tại Đại học Helsinki, nhận định.
Hiến pháp Phần Lan quy định tổng thống hợp tác với chính phủ lãnh đạo chính sách đối ngoại của nước này, do đó lập trường của ông Niinisto mang tính quyết định đối với việc quốc gia Bắc Âu nộp đơn gia nhập NATO. Chính phủ và quốc hội Phần Lan cũng dự kiến sớm thông qua quyết định sau khi được Tổng thống bật đèn xanh.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm “phi quân sự và phi phát xít hóa Ukraine”, Phần Lan và Thụy Điển quyết định xem xét khả năng gia nhập NATO, từ bỏ chính sách không liên minh quân sự trong nhiều thập kỷ.
Các thành viên đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Thụy Điển ngày 15/5 dự kiến quyết định có chấm dứt quan điểm phản đối gia nhập NATO đã được duy trì nhiều thập kỷ hay không. Động thái này được đánh giá gần như chắc chắn dẫn đến quyết định nộp đơn gia nhập NATO của Thụy Điển.
Tổng thống Sauli Niinisto và Thủ tướng Marin đã công du 30 quốc gia thành viên NATO nhằm đảm bảo ủng hộ cho tư cách thành viên của Phần Lan. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh quân sự có thể cho phép Phần Lan và Thụy Điển gia nhập “khá nhanh”.
Nga ngày 11/4 cảnh báo nếu Phần Lan và Thụy Điển từ bỏ chính sách không liên minh quân sự trong nhiều thập kỷ và gia nhập NATO, Nga sẽ buộc phải khôi phục cán cân quân sự bằng cách tăng cường phòng thủ tại khu vực Baltic, trong đó có triển khai vũ khí hạt nhân tới đây.
Phần Lan có đường biên giới dài hơn 1.300 km với Nga. Họ trở thành nước trung lập thông qua hiệp ước hữu nghị với Liên Xô năm 1948, với kỳ vọng ngăn tái diễn cuộc chiến Phần Lan – Liên Xô năm 1939 từng khiến hơn 80.000 binh sĩ nước này thiệt mạng.
Xuyên suốt thời Chiến tranh Lạnh, quốc gia Bắc Âu duy trì tôn chỉ không liên kết, bất chấp sức ảnh hưởng từ cả hai khối do Liên Xô và Mỹ dẫn đầu. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Phần Lan dần chuyển trọng tâm đối ngoại sang phương Tây, đánh dấu với quyết định gia nhập EU năm 1995.
Thụy Điển cũng chọn hướng đi tương tự sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, gia nhập EU vào năm 1995 và tăng cường hợp tác với NATO. Thụy Điển đã tránh tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào trong hơn 200 năm qua.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters, AFP)
Để lại một phản hồi