“Chúng tôi muốn giúp mọi người hình dung tương lai là như thế nào” – hãng tin Bloomberg trích lời ông Ricky Sandhu, người sáng lập Urban-Air Port, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại London và đang nỗ lực đưa taxi bay đến thị trường “trong vài năm nữa”.
Được đặt tại một bãi đậu xe nằm ở một giao lộ nhộn nhịp gần nhà ga xe lửa chính của Coventry, trung tâm kể trên có đầy đủ tiện nghi, ngoại trừ các loại taxi bay – vẫn còn chờ cấp phép hoạt động.
Xung quanh trung tâm là các điểm sạc điện cho xe máy và xe hơi điện, với mục đích kết nối lộ trình di chuyển của hành khách cho thật suôn sẻ và xa hơn là giúp giảm phát thải carbon trong việc đi lại liên thành phố.
Hơn 10.000 người đã mua vé vào tham quan trung tâm taxi bay được triển lãm ở TP Coventry – Anh từ ngày 25-4 Ảnh: BLOOMBERG
Ông Sandhu dự tính chi phí xây dựng một trung tâm taxi bay hoàn chỉnh vào khoảng 5 triệu bảng (tức 6,1 triệu USD). Hình mẫu đang được triển lãm có dạng bánh vòng, ở giữa là bãi đáp kiểu dành cho trực thăng và vây quanh là sảnh làm thủ tục, phòng chờ khởi hành, quán cà phê.
Toàn bộ chiều dài khu trung tâm vỏn vẹn 46 m, một phần để phù hợp với trung tâm thành phố đông đúc, phần khác do từ lúc hành khách đến trung tâm cho đến khi lên taxi bay gói gọn trong 20 phút – tức chỉ cần một khu vực chờ tối thiểu và không cần các cửa hàng dày đặc như ở hầu hết sân bay.
Hành khách bước vài mét là tới taxi bay và khi họ đã yên vị, bãi đáp sẽ nâng lên cho tới khi ngang với đỉnh trung tâm, tiếp đó chiếc taxi cất cánh thẳng lên trời. Đa phần các loại taxi bay xin cấp phép hiện nay bay được quãng ngắn, song cũng có loại bay được hơn 150 km.
Trong vòng 5 năm tới, Urban-Air Port đặt tham vọng xây dựng 200 trung tâm taxi bay và đang giới thiệu 5 thiết kế khác nhau, bao gồm trung tâm chở khách (như ở Coventry), phiên bản nổi, trung tâm phù hợp với cứu trợ thiên tai, trung tâm vận chuyển hàng hóa và trung tâm kết nối với hệ thống kho hàng, hậu cần.
Để lại một phản hồi